Ngành gỗ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2010

Năm 2010, cùng với một số mặt hàng đã cán đích xuất khẩu với kim ngạch lớn, ngành gỗ đã hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu với kim ngạch đạt khoảng 3,2-3,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và vượ

Năm 2010, sản phẩm đồ gỗ chế biến Việt Nam cũng đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 3 thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ, EU và Nhật Bản và các thị trường này đã có sự phục hồi tốt trong năm 2010.
Có thể nói, thị trường xuất khẩu gỗ & sản phẩm gỗ Việt Nam có mặt khắp thế giới, trong đó lớn nhất là Hoa Kỳ (đã đạt 1,1 tỷ USD), EU (đạt 504 triệu USD), Nhật Bản (319 triệu USD)… Xuất khẩu đồ gỗ năm nay thuận lợi là do thị trường Mỹ, EU tăng trở lại, giá nhiều mặt hàng tăng 3-7% so với năm 2009. Như vậy, xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ có mức tăng trưởng tới 15%, ở EU con số này là khoảng 8%. 

Xuất khẩu vào Mỹ đạt 1,1 tỷ USD 

Theo số liệu thống kê, năm 2010, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn rất mạnh, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2009, Mỹ nhập khẩu của Việt Nam 1 tỷ USD, năm 2010 đã đạt 1,1 tỷ USD và trở thành thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của nước ta. Rõ ràng, thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) luôn được xem là thị trường lớn của các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam. Nếu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng gỗ của Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD thì thị trường Mỹ chiếm 1 tỷ USD và EU chiếm khoảng 700 triệu USD. Năm 2010 là cơ hội tốt đối với ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam bởi tiêu dùng của người dân Mỹ và EU bắt đầu phục hồi. Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp DN của Việt Nam hiện nay cũng đã cởi mở và thông thoáng hơn. Nếu năm 2008, DN phải chịu 10% thuế xuất khẩu, thì năm 2010, Nhà nước đã bãi bỏ. Yếu tố quan trọng hơn là sau 2 năm khủng hoảng kinh tế, năng lực, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo các DN ngành gỗ xuất khẩu đã được nâng cao hơn, từ đó họ đã xây dựng được chiến lược phát triển bền vững hơn.
Một điểm đáng mừng đối với các DN ngành gỗ là từ 1/5/2010, Luật Lacey (Luật khai báo nguồn gốc gỗ khai thác) áp dụng với sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ có hiệu lực, không có bất cứ một lô hàng nào từ phía Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị trả lại. 

Thách thức và giải pháp 

Ngoài ra, một số DN xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tiếp cận được với các thị trường mới được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhập khẩu đối với mặt hàng đồ gỗ như Ấn Độ, Nga, Trung Đông…
Ở các ngành xuất khẩu khác, nguyên liệu đang là vấn đề đau đầu thì với ngành gỗ, vấn đề này đã được lường xa. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho những đơn hàng trong năm 2010 khá dồi dào. Toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu và khai thác trong nước đều được tiến hành khai báo nguồn gốc theo đúng quy định của luật Lacey áp dụng với sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ và EU.
Mặc dù giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang tăng, nhưng đa số DN đã tranh thủ thời điểm đầu năm để mua vào tích trữ nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Các chuyên gia nhận định, ngành gỗ trong nước năm 2010 đã có được những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.
Thứ nhất, về nguyên liệu, hiện DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang phải nhập nhẩu từ 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài, trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sử dụng. Do phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu nên lợi nhuận của ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam khá thấp, dưới 5% doanh thu. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu không còn dễ dàng như trước mà DN nhập khẩu phải đảm bảo 100% lượng gỗ nhập khẩu có tính hợp pháp. Nhưng để đạt được yếu tố hợp pháp cần phải có đầy đủ bộ chứng từ do nhiều cơ quan quốc tế xác nhận. Điều này khiến DN mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí.
Thứ hai, hiện nay, DN xuất khẩu gỗ Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các DN xuất khẩu gỗ của Trung Quốc, Malaysia… do các nước này có thể cung ứng đủ nguyên liệu gỗ cho các DN của họ mà không cần nhập khẩu. Bên cạnh đó, họ lại mạnh hơn về tài chính cũng như công nghệ nên giá thành sản phẩm thường thấp hơn so với giá thành hàng hóa Việt Nam cùng chủng loại.
Thứ ba, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu năm 2010 liên tục trong xu hướng tăng. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 đến nay, hầu hết các loại gỗ cứng nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, New Zealand đều tăng từ 10-15%. Trong đó, tăng mạnh nhất là các loại gỗ sồi, thông. Nguyên nhân do nhu cầu nhập gỗ nguyên liệu trên thế giới tăng mạnh.
Để khắc phục được những khó khăn trên, có ba vấn đề mà cả Nhà nước và các DN chế biến gỗ xuất khẩu phải cùng làm.
Thứ nhất, Nhà nước phải có chính sách rất cụ thể, rất quyết liệt trong việc tạo nguồn nguyên liệu trong nước.
Thứ hai, Chính phủ cần nhanh chóng phối hợp với Mỹ, EU và các nước nhập khẩu gỗ để thống nhất một bộ quy định thế nào là sử dụng gỗ hợp pháp để DN chủ động trong việc chuẩn bị thủ tục giấy tờ cần thiết cho hàng hóa khi xuất khẩu vào các thị trường này.
Thứ ba, yếu tố quan trọng nhất là phải nâng cao trình độ, năng lực của doanh nhân, các chủ DN. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và tổ chức thấu đáo cho họ tìm hiểu chính sách thương mại quốc tế, bên cạnh khả năng ngoại ngữ thành thạo và phương thức làm ăn một cách bài bản mới có thể giúp họ phát triển bền vững và lâu dài.
Để đứng vững trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn ngay trên sân nhà, các DN chế biến gỗ của Việt Nam phải nắm và phát huy được lợi thế của mình. Đồng thời với việc chủ động, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với tư cách của nhà sản xuất, các DN chế biến gỗ trong nước phải sản xuất được những sản phẩm có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. Trước mắt, các DN chế biến gỗ phải chủ động tìm cho được nguồn nguyên liệu gỗ; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như gỗ xoài, gỗ mít, gỗ điều… Nguồn nguyên liệu này rất rẻ, nhưng DN phải sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất như sấy, sơ chế, sơn… để tăng độ bền của gỗ với giá thành phù hợp. Mặt khác, chú trọng nâng cấp sản phẩm, đổi mới công nghệ hiện đại phải là ưu tiên hàng đầu của các DN chế biến gỗ trong giai đoạn hiện nay.
Theo Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp quốc gia, đến năm 2020, ngành gỗ phải xuất khẩu được khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay chúng ta mới đạt con số rất khiêm tốn là khoảng 3 tỷ USD. Do vậy, vấn đề hiện nay không phải là tiếp cận thị trường thế giới nữa mà vấn đề là làm thế nào để DN chế biến gỗ xuất khẩu phát triển bền vững thị trường đã có, tức là doanh thu từ xuất khẩu gỗ phải tăng dần đều theo các năm.
Nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ và lâm sản bất hợp pháp, EU sẽ áp dụng Luật FLEGT (Forest Law Enforcement, Governance and Trade) vào năm 2012, buộc DN xuất khẩu gỗ Việt Nam phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn mới khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), năm 2011, nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam là rất lớn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này có thể đạt tới 4,1- 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.