Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP

Việc phát triển các sản phẩm OCOP được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông sản, sản phẩm lợi thế của tỉnh Thái Nguyên nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

sản phẩm ocop
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh phải phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm

Thái Nguyên là địa phương có nhiều lợi thế cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản như: Đất đai, khí hậu, thời tiết  thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là tiềm năng, lợi thế đối với phát triển cây chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thái Nguyễn cũng là tỉnh tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh trong vùng, có Đại học Nông lâm và nhiều trường Đại học, cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn tỉnh, tạo ra nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp (nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và tổ chức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Với lơi thế đó, những năm qua tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó một số cây trồng, vật nuôi thế mạnh chủ lực của địa phương như: chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm và các cây trồng, vật nuôi đặc sản của một số địa phương trong tỉnh… đã được tập trung phát triển để hình thành các vùng sản xuất tập tập trung theo hướng an toàn, hữu cơ, chăn nuôi trang trại, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Thái Nguyên đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước đối với sản xuất chè cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 01 ha chè ; Trà Thái Nguyên tiếp tục được khẳng định vị thế là “Đệ nhất danh trà” với các sản phẩm chế biến tinh, sâu, chất lượng cao, mẫu mã đẹp khẳng định được thương hiệu với thị trường trong nước và quốc tế, nhiều sản phẩm đã đạt giải cao tại các cuộc thi quốc tế, được chọn làm quà tặng cho hội nghị APEC năm 2017, góp phần thúc đẩy sản xuất chè của tỉnh cũng như đối với ngành chè cả nước.

Để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp hiện nay và thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Thái Nguyên đã bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP cho Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp, Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025.

Trong đó, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3 sao: 20 triệu đồng/sản phẩm, đạt 4 sao: 30 triệu đồng/sản phẩm, đạt 5 sao: 40 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì mẫu mã, nhãn hiệu: 30 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP: 15 triệu đồng/điểm cấp huyện, 05 triệu đồng/điểm cấp xã; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử;…

sản phẩm ocop
Trà Thái Nguyên được khẳng định vị thế là “Đệ nhất danh trà”

Việc phát triển các sản phẩm OCOP được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông sản, sản phẩm lợi thế của tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thông thường bị đứt gãy. Tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất kinh doanh tham gia chu trình OCOP về mục đích, ý nghĩa, vai trò của việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Thái Nguyên, phát triển du lịch, xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Triển khai lồng ghép, tập trung các nguồn vốn hỗ trợ 122 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản phẩm OCOP với tổng nguồn vốn thực hiện đạt trên 350 tỷ đồng. Đây được xem là yếu tố nền tảng để phát triển các sản phẩm OCOP và là giải pháp quan trọng để các sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng Website OCOP Thái Nguyên nhằm số hoá việc quản lý, đánh giá, xếp hạng và quảng bá các sản phẩm. Đây là kênh để các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký, nộp hồ sơ đánh giá, chấm điểm, nhận kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, với mục tiêu: Số hóa toàn bộ hồ sơ đánh giá, cập nhật, lưu dữ liệu phục vụ cho truy xuất sản phẩm nhằm công khai, minh bạch thông tin, kết nối với thị trường.

Ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ gần 50 đơn vị phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP. Tư vấn, hỗ trợ cho 21 đơn vị trong việc thực hiện các ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0. Quảng bá sản phẩm cho 132 doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng dữ liệu, ứng dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và cấp 500.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 50 sản phẩm tham gia chu trình OCOP….

Với những nỗ lực và cách làm sáng tạo, cùng với quyết tâm cao của các địa phương, đơn vị. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 129 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (đạt 198% KH thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm - OCOP), trong đó: 54 sản phẩm 3 sao; 73 sản phẩm 4 sao; 02 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.

Với việc có 02 sản phẩm được công nhận “Sản phẩm OCOP cấp quốc gia”, Thái Nguyên trở thành một trong 11 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước có sản phẩm OCOP 5 sao đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt chứng nhận OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.

Số lượng Chủ thể là Hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP rất lớn chiếm trên 75% đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, gia tăng sức mạnh cộng đồng và là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ:

Một là, phát huy lợi thế của các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất: VietGAP, GlobalGAP, Organic, … hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý chất lượng đồng bộ, tăng cường năng lực chế biến và phát triển thị trường gắn với Chương trình OCOP.

Hai là, huy động, lồng ghép các nguồn lực để tập trung cho phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ chủ thể tham gia chu trình OCOP thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ba là, chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với cấp mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng để xuất khẩu sản phẩm. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tham gia vào các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý Nhà nước; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối với chương trình OCOP cấp độ quốc gia;

Năm là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Minh Huế