Thế giới đối mặt sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ lương thực

Hiện đã có khoảng 30 quốc gia siết chặt, hạn chế hoặc tạm ngưng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa khi giá hàng loạt loại thực phẩm tăng vọt. Nhiều nhà phân tích lo ngại thế giới đang đối mặt sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ lương thực trong bối cảnh nguồn cung nhiều loại thực phẩm thiếu hụt trầm trọng.

Chủ nghĩa bảo hộ lương thực nổi lên

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thuỵ Sĩ) cuối tháng 5, bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kêu gọi các quốc gia thành viên WTO không siết nguồn cung lương thực ra thị trường quốc tế khi đã có tới 22 nước với 41 biện pháp hạn chế hoặc cấm xuất khẩu thực phẩm được áp dụng gần đây, gây ra cú sốc giá với nhiều mặt hàng lương thực trên toàn cầu.

Điển hình, Malaysia đã cấm xuất khẩu vô thời hạn đối với mặt hàng thịt gà kể từ ngày 1/6 Động thái này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung thịt gà của nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), đặc biệt là Singapore – quốc gia nhập khẩu hơn 30% thịt gà từ Malaysia. Dự báo giá thịt gà tại Singapore sẽ tăng thêm 15%.

Tại các nước phương Tây, nguồn cung thịt bò đã trở nên khan hiếm hơn trong nhiều tháng qua sau khi Argentina cấm xuất khẩu tất cả các loại thịt, bao gồm thịt bò kể từ hồi tháng 5/2021. Argentina cho biết có thể sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu nhiều loại thịt bò cho đến năm 2023 nhằm ổn định giá cả trong nước. Nước này hiện là nhà xuất khẩu thịt bò lớn thứ 5 thế giới, chiếm 6% tổng lượng thịt bò được xuất khẩu trên toàn cầu.

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ gây ra cú sốc cung mới đến thị trường lương thực thế giới khi nguồn cung lúa mì vốn đã thiếu hụt trầm trọng dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine (Ảnh: CNN)

Giữa tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã ngưng xuất khẩu lúa mì khi giá mặt hàng này trên thị trường nội địa tăng gần gấp 2 lần. Nước này cũng vừa áp hạn ngạch xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn đối với niên vụ 2021/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như kìm giữ giá mặt hàng này trên thị trường nội địa. Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu lúa mì và đường lớn thứ hai thế giới.

Trước Ấn Độ, một số quốc gia đóng vai trò lớn trên thị trường ngũ cốc thế giới cũng đang siết chặt hoạt động xuất khẩu như Nga, Ukraine và Kazakhstan. Các động thái này đã đẩy giá lúa mì trên toàn cầu lên mức cao kỷ lục.

Tại Indonesia, mặc dù nước này đã nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ sau khi tạm ngưng trong tháng 5 nhưng vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nguồn cung chặt chẽ nhằm hạ nhiệt giá dầu thực vật trên thị trường nội địa. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Trên thực tế, các nhà xuất khẩu dầu cọ Indonesia cho biết có nhiều ràng buộc về khối lượng xuất khẩu và gặp nhiều khó khăn khi xin cấp giấy phép xuất khẩu.

Hầu hết các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực đều nhằm đối phó với tình trạng giá hàng hoá tăng vọt khi dòng chảy nhiều loại lương thực bị đứt gãy dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, khiến lạm phát tại nhiều nền kinh tế chạm mức cao kỷ lục.

Hãng tư vấn thị trường Fitch Solutions (Hoa Kỳ) cảnh báo thế giới đang đối mặt với việc chủ nghĩa bảo hộ lương thực ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực hồi năm 2007 – 2008. Chủ nghĩa bảo hộ lương thực nổi lên ở thời điểm này có thể khiến chi phí tiếp tục leo thang. Điều này sẽ làm tổn hại thêm sức mua của người tiêu dùng và khiến các chính phủ gặp nhiều khó khăn hơn khi vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa tránh đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái lần nữa.

Dự báo giá lương thực tiếp tục tăng cao

Chủ tịch ngân hàng thế giới
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực trên toàn cầu tăng cao và cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện tại sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới, thậm chí có thể sang tận năm 2023 (Ảnh: AFP)

Trong hai năm vừa qua, nguồn cung lương thực ra thị trường quốc tế vốn đã đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng như tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động trong thu hoạch dưới tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sản lượng nông nghiệp của một số quốc gia nông nghiệp lớn còn suy giảm vì biến đổi khí hậu.

Dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy giá lương thực đã liên tục tăng kể từ nửa cuối năm 2020. Riêng trong năm 2021, giá lúa mì và lúa mạch tăng gần 30%, giá dầu hạt cải và dầu hướng dương tăng hơn 60%, giá dầu cọ tăng gần 40%, giá sữa tăng 14%.... Đây là những mức tăng mạnh nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.

Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine hiện nay không chỉ gây đứt gãy dòng chảy lương thực mà còn đẩy giá năng lượng tăng vọt, kéo theo đó là giá các loại phân bón. Điển hình, giá phân bón urê đã tăng hơn 300% trong năm ngoái. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga, Kyrgyzstan đã hạn chế xuất khẩu các hàng hoá đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp như hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Những yếu tố này đang tiếp tục đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp và giá các loại nông sản tăng cao.

Bà Sabrin Chowdhury, trưởng bộ phận thị trường hàng hoá của Fitch Solutions, nhận định "Chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay, tăng dần trong những tháng tới. Và điều này sẽ làm tăng thêm rủi ro về an ninh lương thực với nhóm dễ tổn thương nhất”.

Cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá thực phẩm trên toàn cầu sẽ tăng tới 22,9% trong năm nay và tình trạng này sẽ còn kéo dài đến tận năm 2023. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh nạn đói sẽ diễn ra dai dẳng trong nhiều năm tại nhiều quốc gia nếu như dòng chảy lương thực trên thế giới không được khơi thông trở lại, đặc biệt là nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine.

Người tiêu dùng tại các nước có thu nhập thấp được nhận định sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc thiếu hụt nguồn cung và giá lương thực tăng vọt. Người dân tại các nền kinh tế giàu hơn cũng chịu tác động tiêu cực. Các khảo sát gần đây cho thấy có gần 10 triệu người Anh phải giảm tiêu thụ lương thực trong tháng 4 vì chi phí sinh hoạt tăng vọt.

Hàng loạt nhà hàng tại Hoa Kỳ phải giảm kích cỡ khẩu phần ăn; trong khi đó, Pháp cam kết sẽ cấp phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình dễ tổn thương. Các nghiên cứu cho thấy giá thực phẩm tăng vọt sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến nhóm người có thu nhập thấp tại tất cả các nền kinh tế do phần lớn thu nhập của họ dùng để mua lương thực.

Việc hạn chế xuất khẩu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia nhập khẩu lương thực. Ông David Adamson, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Tài nguyên và thực phẩm toàn cầu thuộc Đại học Adelaide (Australia), cho biết người nông dân ở các nước sản xuất cũng chịu thiệt vì không được hưởng lợi từ giá quốc tế cao. "Chủ nghĩa bảo hộ là điều tồi tệ với an ninh lương thực vì nó ngăn cản thị trường tự hoạt động hiệu quả", ông nói.

Duy Quang