Thép Nam Kim (NKG): Dự báo xuất khẩu tôn mạ nửa cuối năm tăng 50%

Dự báo trong nửa cuối năm nay, sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) sẽ tăng 50% so với giai đoạn nửa đầu năm qua và giá xuất khẩu trung bình sẽ tăng 3%.
Thép Nam Kim
Dự kiến kênh xuất khẩu của Thép Nam Kim sẽ tăng tốc rõ rệt trong giai đoạn nửa cuối năm nay.

Kết thúc nửa đầu năm nay, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt gần 9.900 tỷ đồng và lãi ròng đạt tên 76 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và giảm 88% so với nửa đầu năm 2022.

Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng và giá bán các sản phẩm của doanh nghiệp này đã lần lượt giảm 15% và giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, giá bán giảm mạnh hơn giá nguyên vật liệu đầu vào, khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 13% xuống còn 6% trong nửa đầu năm 2023.

Hoạt động kinh doanh của Thép Nam Kim được kỳ vọng sẽ tăng tốc rõ rệt trong nửa cuối năm nay và phục hồi mạnh trong năm 2024, chủ yếu nhờ tăng trưởng của kênh xuất khẩu. Theo đánh giá mới đây của MBS Research, lợi nhuận ròng của Thép Nam Kim có thể đạt 370 tỷ đồng trong năm 2023 và tăng thêm 67%, lên mức 618 tỷ đồng trong năm 2024.

Kênh xuất khẩu của Thép Nam Kim sẽ tăng tốc những tháng cuối năm

MBS Research nhận định Thép Nam Kim được hưởng lợi lớn với vị thế đầu ngành trong lĩnh vực xuất khẩu tôn mạ. Nhu cầu nhập khẩu thép của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, hai thị trường chủ lực của Thép Nam Kim (chiếm 65% sản lượng), được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Giá thép HRC
Diễn biến giá thép HRC (USD/tấn) của một số quốc gia và khu vực trong giai đoạn vừa qua. (Nguồn: Bloomberg, MBS Research)

Cụ thể, nguồn cung thép tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu giảm trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng mạnh ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh của các nhà máy thép ở đây. Đồng thời, các quốc gia xuất khẩu thép lớn sang thị trường châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đều không thể duy trì sản lượng. Ngoài ra, thị trường bất động sản tại Mỹ cho thấy dấu hiệu hồi phục khi doanh số bán nhà tháng 7/2023 đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá tôn mạ
Giá tôn mạ (USD/tấn ) tại một số quốc gia và khu vực trong giai đoạn vừa qua. (Nguồn: Bloomberg, MBS Research)

Nhờ những yếu tố tích cực trên, giá tôn mạ xuất khẩu của Thép Nam Kim được dự báo sẽ đạt mức 920 – 950 USD/tấn trong nửa cuối năm, tăng nhẹ 3% so với nửa đầu năm 2023, và tăng lên mức 995 USD/tấn trong năm 2024. Đồng thời, sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ đạt 344.500 tấn, tăng 50% so với giai đoạn nửa đầu năm và gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Qua đó, nâng tổng sản lượng xuất khẩu cả năm 2023 lên khoảng 604.000 tấn, tăng 20% so với năm 2022, và giá xuất khẩu trung bình đạt 895 USD/tấn, giảm 24% so với năm 2022, theo MBS Research. 

Xem thêm: "Bất động sản – “Gà đẻ trứng vàng” mới của Vinaconex (VCG)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Kỳ vọng thị trường bất động sản trong nước phục hồi từ giữa năm 2024

Tiêu thụ tôn mạ
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC, và tôn mạ tại thị trường trong nước (nghìn tấn). (Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam, MBS Research)

Đối với thị trường nội địa, thị trường thép trong nước bước vào giai đoạn suy giảm kể từ quý 2/2022 do những khó khăn của thị trường bất động sản. Sản lượng tiêu thụ tôn mạ của cả nước trong quý 2/2023 đã giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn khoảng 1,08 triệu tấn.

Nhu cầu tiêu thụ suy yếu tác động tiêu cực đến giá bán của các sản phẩm thép, giá tôn mạ trong quý 2/2023 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 21 triệu đồng/tấn; đồng thời, nhu cầu nhập trữ hàng của các đại lý ở mức rất thấp. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng dự án và số sản phẩm bất động sản hoàn thiện trong quý 2/2023 đã lần lượt giảm 55% và 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong thời điểm khó khăn, kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, nổi bật là Nghị định 33/NĐ-CP, Nghị định 10/2023/NĐ-CP với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc pháp lý nhằm cải thiện nguồn cung thị trường trong thời gian tới. Hơn nữa, Luật Đất Đai sửa đổi dự kiến thông qua vào tháng 10/2023 với quy định rõ ràng hơn về thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ khơi thông nguồn cung và góp phần giúp thị trường ấm trở lại.

Giá tôn mạ Thép Nam Kim
Diễn biến và dự báo giá bán tôn mạ tại thị trường trong nước (triệu đồng/tấn) của Thép Nam Kim. (Nguồn: Thép Nam Kim, MBS Research)

Xem thêm: Lãi suất giảm, tỷ lệ hấp thụ căn hộ phục hồi, liệu thị trường bất động sản sắp “ấm lại”? trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Với những chính sách hỗ trợ kể trên, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ hồi phục từ giữa năm 2024. Một số tín hiệu tích cực ban đầu từ phân khúc căn hộ bình dân với nguồn cung được cải thiện khi các chủ đầu tư lớn như Nam Long, Vinhomes bắt đầu mở bán dự án và đạt tỷ lệ hấp thụ cao trên 65%. Nhu cầu sử dụng thép nói chung, tôn mạ nói riêng được kỳ vọng sẽ có dấu hiệu cải thiện rõ rệt hơn từ cuối năm 2023 và bắt đầu phục hồi trong năm 2024, theo MBS Research.

Giá cổ phiếu NKG Thép Nam Kim Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo ước tính của MBS Research, sản lượng nội địa trong cả năm nay của Thép Nam Kim sẽ duy trì ở mức thấp, đạt khoảng 344.500 tấn với giá bán trung bình đạt 20 triệu đồng/tấn, lần lượt giam 7,6% về sản lượng và giảm 20% về giá bán so với năm 2022.

Sang năm 2024, khi thị trường bất động sản phục hồi thì sản lượng tiêu thụ của Thép Nam Kim được kỳ vọng sẽ hồi phục khoảng 15% với giá bán trung bình tăng thêm 10% so với năm 2023.

Trong năm nay, Thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, dựa trên giả định giá thép cuộn cán nóng (HRC) dao động từ 600 – 700 USD/tấn.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 13/9, cổ phiếu NKG đạt 21.300 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu NKG đã tăng hơn 62%.

Duy Quang