Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 4.459 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong kỳ giảm 7%, giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp thép này đạt hơn 273 tỷ đồng, so với mức lỗ 210 tỷ đồng của quý 4/2022.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Thép Nam Kim trong quý 4/2023 đạt hơn 22 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 414 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế cả năm 2023, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần 18.595 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Xét về cơ cấu doanh thu, kênh nội địa đóng góp 7.585 tỷ đồng, chiếm 41% tổng doanh thu, giảm 20% so với năm 2022. Trong khi đó, kênh xuất khẩu đem về cho Thép Nam Kim 11.036 tỷ đồng, chiếm 59% tổng doanh thu, giảm 19% so với năm 2022.
Thép Nam Kim hiện thuộc top 3 doanh nghiệp đứng đầu lĩnh vực tôn mạ tại Việt Nam và đang xuất khẩu sản phẩm đến hơn 50 quốc gia.
Qua đó, Thép Nam Kim báo lãi ròng 117 tỷ đồng trong năm 2023; trong khi năm trước ghi nhận lỗ gần 125 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 93% mục tiêu doanh thu và 44% mục tiêu lợi nhuận năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Thép Nam Kim đạt hơn 12.235 tỷ đồng, giảm 9% so với hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do hàng tồn kho giảm 18% so với hồi đầu năm, còn 5.718 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng giảm 61%, chỉ còn hơn 130 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng số tiền đầu tư vào công ty con của Thép Nam Kim là 755 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với hồi đầu năm. Trong năm 2023, Thép Nam Kim đã rót thêm gần 500 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ.
Trong thời gian gần đây, Thép Nam Kim liên tục có động thái dồn lực triển khai kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Dự kiến nhà máy này sẽ bắt đầu được triển khai trong năm 2024, kéo dài qua 3 giai đoạn (công suất 400.000 tấn/giai đoạn), và sẽ hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim (chủ yếu dùng trong xây dựng).
Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Thép Nam Kim nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh thu và ổn định biên lợi nhuận nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp tại Việt Nam.
Thép Nam Kim hiện có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm, ống thép; trong đó tôn mạ các loại chiếm hơn 80% cơ cấu sản phẩm. Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, công suất toàn hệ thống sẽ gấp hơn 2 lần lên 2,2 triệu tấn/năm.
Xét về cơ cấu nguồn vốn, tính đến hết năm 2023, tổng nợ phải trả của Thép Nam Kim đã giảm 16%, còn 6.812 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này chỉ phát sinh dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với giá trị là 4.767 tỷ đồng, giảm gần 7% so với hồi đầu năm. Thép Nam Kim hiện thuộc nhóm doanh nghiệp thép niêm yết chịu áp lực nợ vay thấp nhất.