Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với thu nhập lãi thuần đạt 5.633 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ.
Đồng thời, các khoản thu nhập ngoài lãi trong kỳ giảm tới 40%, còn 1.075 tỷ đồng. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 34%, còn 586 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 2%, còn 296 tỷ đồng đồng; và lãi thuần từ hoạt động khác giảm 67%, còn 201 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động trong kỳ của Ngân hàng Sacombank lại tăng 29%, chủ yếu do chi phí về tài sản và chi cho hoạt động quản lý tăng mạnh. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này giảm 36,4%, còn 3.299 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro giảm hơn 83% nên Ngân hàng Sacombank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2023 tăng 45% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.755 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng Sacombank tương đương với năm 2022, trong khi tổng chi phí hoạt động lại tăng 18%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 12,7%. Nhờ chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2023 đã giảm gần 59% nên lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Sacombank vẫn tăng hơn 51%, đạt 9.595 tỷ đồng; qua đó, hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm đã đề ra.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Ngân hàng Sacombank tăng gần 14% so với hồi đầu năm, đạt gần 674.400 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng đã tăng hơn 12%, đạt hơn 510.700 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 482.700 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với hồi đầu năm.
Về chất lượng tài sản, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Sacombank đạt 2,28%, tăng nhẹ so với mức 2,2% trong quý 3/2023. Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, Ngân hàng đã quyết liệt xử lý nợ xấu trong năm vừa qua với ước tính 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng đã được xử lý thành công, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (chủ yếu là trái phiếu VAMC) đã giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, còn 16.433 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của Đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống còn 3,5%, góp phần đưa lợi nhuận đạt kế hoạch và tăng trưởng ổn định.
Trên cơ sở tài chính vững chắc, Ngân hàng Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu, lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, Ngân hàng Sacombank nhiều khả năng sẽ hoàn thành xong Đề án tái cơ cấu trước thời hạn đề ra (năm 2025), thậm chí sớm nhất là trong nửa đầu năm 2024.
Sau khi hoàn thành đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sacombank sẽ bước sang chu kỳ hồi phục mạnh mẽ trong những năm tới, có thể thực hiện đầy đủ các hoạt động, trả cổ tức cũng như tăng vốn điều lệ để thúc đẩy tăng trưởng.