Ngân hàng TMCP Á Châu (Ngân hàng ACB, mã cổ phiếu ACB - sàn HoSE) vừa cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2023 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2022; qua đó, hoàn thành 100% mục tiêu lợi nhuận được giao tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ ROE đạt mức gần 25%, lọt nhóm những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất hiện nay.
Đà tăng trưởng lợi nhuận trên chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với năm 2022. Ngoài ra, mảng dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Đại diện Ngân hàng ACB cho biết, tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào tổng doanh thu của Ngân hàng là 24%, nhờ vậy đã bù đắp lại việc thu nhập từ lãi giảm khi Ngân hàng chủ động giảm lãi suất để hỗ trợ các khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua.
Tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng của Ngân hàng ACB đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,7% bình quân ngành. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của ngân hàng này.
Theo Ngân hàng ACB, hoạt động giải ngân cho vay của Ngân hàng đã tăng tốc nhờ loạt chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường, bao gồm gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, Ngân hàng cũng giải ngân 1.900 tỷ đồng trong Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, và cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng dư nợ 2.200 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô huy động của Ngân hàng ACB đạt gần 483.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Đáng chú ý, tỷ lệ tiền gửi không tiền mặt (CASA) tăng trưởng tới 22%; qua đó, Ngân hàng ACB lọt TOP 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành.
Xét về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng ACB vào cuối năm 2023 đạt 1,21% - một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường hiện nay. Đối với các chỉ số an toàn hoạt động, hiện tỷ lệ LDR của ngân hàng này ở mức 78% (so với mức 85% của quy định) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (so với mức 30% của quy định).
Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động, trong năm 2023, Ngân hàng ACB cũng có nhiều giải pháp tối ưu chi phí. Chi phí hoạt động của ngân hàng này đã giảm 6,3% so với năm 2022; giúp tỷ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) chỉ còn 33%, so với mức 40% vào cuối năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 26/1, thị giá cổ phiếu ACB đạt 26.300 đồng/cổ phiếu.