Doanh thu tăng 23%, lợi nhuận vượt 10.700 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quốc tế (Ngân hàng VIB, mã cổ phiếu VIB - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022.
Xét về cơ cấu doanh thu, thu nhập từ lãi ghi nhận tăng trưởng 16%, đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu, với sự đóng góp của mảng thẻ tín dụng, bảo hiểm, ngoại hối và các khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro.
Trong khi đó, chi phí hoạt động của Ngân hàng VIB chỉ tăng 7% so với năm 2022, ở mức 6.600 tỷ đồng. Nhờ đó, hệ số CIR (chi phí/doanh thu) giảm còn 30% - mức tốt nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.
Đồng thời, Ngân hàng VIB đã trích lập dự phòng lên tới 4.800 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2022.
Kết thúc năm 2023, Ngân hàng VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25%.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng này đạt gần 410.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Về huy động, tổng huy động vốn của Ngân hàng VIB đạt 283.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng gần 237.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Động lực tăng trưởng chính đến từ huy động tiền gửi khách hàng cá nhân tăng 21%. Đáng chú ý, số dư CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của ngân hàng này đã tăng tới 33% so với đầu năm 2023.
Tín dụng tăng trưởng 14,2%, rủi ro tập trung thấp nhất thị trường
Dư nợ tín dụng cuối năm 2023 của Ngân hàng VIB đạt hơn 267.000 tỷ đồng, tăng 14,2%, sử dụng toàn bộ hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình toàn hệ thống.
Ban lãnh đạo Ngân hàng VIB chia sẻ, mặc dù tình hình thị trường có nhiều biến động, Ngân hàng VIB vẫn nhất quán với chiến lược bán lẻ cùng khẩu vị rủi ro thận trọng. Nhờ các biện pháp quản trị rủi ro chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm mạnh, chỉ còn 2,2% so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý 1/2023.
Thời điểm cuối năm 2023, tỷ trọng dư nợ bán lẻ tại VIB đạt trên 85% tổng danh mục cho vay, đồng thời trên 90% dư nợ bán lẻ là cho vay có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, VIB cũng thận trọng trong việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đại diện Ngân hàng VIB cho biết.
Đặc biệt, trong hơn 4 năm qua, dư nợ cho vay của Ngân hàng VIB vào các hoạt động và lĩnh vực như: BOT, năng lượng tái tạo, bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu bất động sản đều bằng 0. Danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng này cũng ở nhóm thấp nhất thị trường, chỉ chiếm 0,3% danh mục tín dụng và chủ yếu là của các công ty ngành sản xuất và dịch vụ.
"Hiện Ngân hàng VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa", đại diện Ngân hàng VIB nói.
Mức sinh lời cao hàng đầu hệ thống nhờ chiến lược huy động vốn đặc biệt
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, xu hướng giảm tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng VIB sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới khi thị trường chung có nhiều tín hiệu tích cực cùng mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục như hiện nay. Đồng thời, nhờ áp dụng chiến lược huy động vốn đặc biệt và tập trung cho vay phù hợp đã giúp Ngân hàng VIB (mã cổ phiếu VIB) cải thiện mạnh mẽ khả năng sinh lời, đưa tỷ lệ NIM và ROE lên nhóm dẫn đầu hệ thống.
Cụ thể, trong thời gian qua, Ngân hàng VIB theo đuổi chiến lược tập trung tận dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn từ thị trường liên ngân hàng (với lãi suất thấp) với một phần nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức tài chính nước ngoài có lãi suất thấp hơn so với mức huy động trong nước. Chiến lược này cho phép Ngân hàng VIB tiết giảm chi phí vốn tối đa.
Một lợi ích gián tiếp khác từ việc không phải quá tập trung vào nguồn tiền gửi của khách hàng là việc Ngân hàng VIB không phải huy động với mức lãi suất cao như các ngân tư nhân có quy mô nhỏ khác, từ đó giúp chi phí vốn của Ngân hàng VIB được tiết giảm hơn nữa.
Ngoài ra, với việc tập trung cho vay phân khúc bán lẻ có lợi suất cao, giúp cho Ngân hàng VIB đạt được mức NIM và ROE cao hàng đầu hệ thống ngân hàng hiện nay.
Hãng chứng khoán VNDirect hiện nhận định, chiến lược mới trong cho vay kinh doanh thương mại điện tử sẽ giúp duy trì ROE của Ngân hàng VIB ở mức cao nhất trong ngành trong thời gian tới.
Tại ngày 31/12/2023, các chỉ số quản trị của Ngân hàng VIB đều được được duy trì ở mức an toàn và tối ưu, với hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) ở mức 11,7% (so với quy định là trên 8%), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 27% (quy định dưới 30%), hệ số cho vay trên huy động (LDR) đạt 73% (quy định là dưới 85%), tỉ lệ dự trữ thanh khoản (MLH) là 18% (quy định là trên 10%) và chỉ số Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) theo chuẩn mực Basel III đạt 115% (quy định trên 100%).
Đáng chú ý, trong quý 4 vừa qua, Ngân hàng VIB tiếp tục nhận được xếp hạng từ Ngân hàng nhà nước, với mức xếp hạng tổng thể nằm ở nhóm cao nhất ngành ngân hàng. Ngân hàng VIB là một trong số ít ngân hàng thương mại có xếp hạng cao nhất bởi Ngân hàng Nhà nước trong 3 năm liên tiếp, dựa theo các tiêu chí minh bạch do Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Với mức xếp hạng này, VIB tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở nhóm cao nhất ngành, trên 16%.
Ngoài ra, trong năm 2023, Ngân hàng VIB tiếp tục củng cố thương hiệu và uy tín của mình với các giải thưởng của International Finance Magazine, các tổ chức phát hành thẻ Master, Visa…