Hạn chế tình trạng sở hữu chéo
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần 5 vào ngày 18/01 vừa qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Luật) sẽ giúp gia tăng mức độ an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng với các quy định phòng ngừa rủi ro tăng cường hơn, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng vốn là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật đã đưa ra các quy định mới giúp thiết lập rào cản tốt hơn về sở hữu chéo.
Cụ thể, kể từ ngày 1/7/2024, cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp).
Đồng thời, cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của một tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.
Ngoài ra, cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng sẽ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan.
Song, Luật cũng có quy định chuyển tiếp rằng cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cho đến khi tuân thủ quy định; đồng thời có điều khoản ngoại trừ với sở hữu nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa, sở hữu nhà đầu tư nước ngoài…
Theo đánh giá của Chứng khoán An Bình (ABS), các quy định này giúp tăng tính đại chúng của tổ chức tín dụng, tăng minh bạch thông tin và giám sát của đại chúng. Đồng thời, tách bạch giữa hoạt động quản trị với hoạt động điều hành, đáp ứng rất tốt nguyên tắc quản trị minh bạch trong tổ chức kinh doanh mà các định chế tài chính quốc tế khuyến cáo.
Hạn chế tình trạng cho “sân sau” vay
Điểm đáng chú ý tiếp theo, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có (giảm từ 15%) và một khách hàng và người có liên quan 15% (giảm từ 25%).
Tuy nhiên, việc giảm này cũng sẽ diễn ra theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2026 thì giảm xuống 14% vốn tự có với một khách hàng và 23% vốn tự có với một khách hàng và người có liên quan; đến 1/1/2027, xuống 13% và 21%; đến 1/1/2028 xuống 12% và 19%; đến 1/1/2029 thì buộc phải đáp ứng quy định.
Việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan nhằm giúp đa dạng hoá danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho tổ chức tín dụng.
Những ngân hàng đang có tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng liên quan vượt tỷ lệ theo quy định mới sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay cho tệp khách hàng này, đồng thời dư nợ tín dụng có thể bị sụt giảm do nhóm khách hàng này phải tìm nguồn vốn khác để tất toán bớt khoản vay hiện hữu nhằm đáp ứng tỷ lệ theo quy định mới.
Theo đánh giá của Maybank Investment Bank, việc mở rộng đối tượng bị coi là liên quan, đồng thời giảm giới hạn cho vay với các bên liên quan là nhắm đến mục tiêu hạn chế việc cho vay sân sau.
Tuy nhiên, quy định này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cho vay của một số ngân hàng cũng như tạo thách thức cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn lớn. Điển hình như việc Ngân hàng Vietcombank tài trợ vốn cho Tập đoàn Hoà Phát hoặc dự án Sân bay Long Thành. Ngân hàng hoặc người đi vay có thể phải sử dụng nhiều hình thức cho vay hợp vốn hơn, theo Maybank Investment Bank.
Siết chặt quản lý hoạt động bancassurance
Luật sửa đổi mạnh mẽ điều khoản về việc các tổ chức tín dụng nếu muốn kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm thì phải thành lập công ty con, hoặc phải tạo ra liên kết, liên doanh mới, độc lập với hoạt động của ngân hàng thương mại; có giấy phép được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp.
Điều này, đã thiết lập một rào cản nhất định với tổ chức tín dụng cũng như tăng cường trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc cân nhắc ngân hàng nào được phép thành lập bank holding, được kinh doanh đa ngành, được đầu tư.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) của các ngân hàng bị tác động đáng kể và cần thời gian dài để phục hồi, đặc biệt là nhóm các ngân hàng có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập lãi ngoài cao như Ngân hàng VIB, Ngân hàng ACB…
Khi mà người dân nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm thì lúc đó ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc triển khai bancassurance, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.
Ngoài ra, câu chuyện rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong năm 2022 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro rút tiền hàng loạt (bank run), gây ra nguy cơ rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống.
Để phòng ngừa tình trạng trên, Luật đã bổ sung thêm quy định về việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm vào các tổ chức tín dụng khi có một số dấu hiệu như lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ vi phạm tỷ lệ an toàn tối thiểu (trong báo cáo tài chính kiểm toán hoặc kết luận thanh tra), xếp hạn dưới mức trung bình theo quy định, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày liên tục, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong 6 tháng liên tục, bị rút tiền hàng loạt…
Chứng khoán VNDirect đánh giá, động thái này sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý thị trường và người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản hệ thống trong tương lai.