Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Ngân hàng TPBank, mã cổ phiếu TPB - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 2,4% so với năm 2022. Động lực tăng trưởng chủ yếu, đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 9,1%, lên mức 12.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2023 của Ngân hàng TPBank chỉ ước đạt 5.600 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức lợi nhuận sau thuế hơn 6.260 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ ROE năm 2023 của ngân hàng này đạt trên 13,77%.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Ngân hàng TPBank đạt 356.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối 2022, vốn điều lệ tăng ở mức hơn 22.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III của TPBank ở mức 12,4% tính đến 31/12/2023, thuộc nhóm đầu của ngành.
Dư nợ cho vay của ngân hàng này đã vượt 217.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% so với 2022, vượt xa so với tăng trưởng bình quân toàn ngành.
Về phía huy động, tổng huy động năm 2023 của Ngân hàng TPBank đạt 316.500 tỷ đồng, tăng gần 9,5%. Đáng chú ý, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong năm 2023 đã tăng 34%, vượt 47.000 tỷ đồng.
Đối với chất lượng tài sản, Ngân hàng TPBank đã tăng mạnh trích lập dự phòng, gấp đôi so với 2022, lên hơn 3.900 tỷ đồng. Đại diện ngân hàng cho biết, ngân hàng đã chủ động sử dụng nguồn lực nhằm bao phủ nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%, giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động của nợ xấu trong tương lai.
Ngân hàng TPBank cũng cho biết đã ghi nhận thêm 3,5 triệu tài khoản mở mới, nâng tổng số khách hàng vượt mốc 12 triệu. Như vậy, chỉ trong 3 năm trở lại đây, với chiến lược tập trung phát triển ngân hàng số, Ngân hàng TPBank đã thu hút thêm hơn 8,6 triệu khách hàng, gấp đôi tổng số lượng khách hàng của cả 12 năm trước đó.
Theo đánh giá gần đây nhất của MBS Research, Ngân hàng TPBank đã bước qua thời điểm khó khăn nhất trong quý 3/2024. Đỉnh nợ xấu của ngân hàng đã được tạo trong quý 3/2024, và sẽ có xu hướng giảm dần khi nền kinh tế hồi phục, nợ do CIC sẽ giảm, cùng với đó là việc ngân hàng sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu.
MBS Research cũng nhận định tỷ lệ NIM của ngân hàng này sẽ dần phục hồi kể từ quý 4/2024. Đồng thời, việc lãi suất huy động hạ sâu sẽ tác động tích cực lên chi phí huy động (CoF) của Ngân hàng TPBank một cách rõ ràng hơn trong năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 19/1, thị giá cổ phiếu TPB đạt 18.600 đồng/cổ phiếu.