Cải cách hành chính phải đồng bộ

Nâng cao năng lực cán bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, và nhận thức của người dân đồng thời công khai hóa các quy trình hành chính, tiếp tục rà soát những bất hợp lý để kịp thời sửa đổi, b

Hành chính là công việc không thể thiếu được của các nhà nước. Một nhà nước có nhiều hay ít thủ tục hành chính chưa quan trọng bằng sự vận hành các thủ tục mang lại tích cực hay gây hậu quả xấu trong xã hội! Đơn giản hóa thủ tục hành chính với ý nghĩa giảm bớt giấy tờ, thời gian vận hành, hướng các thủ tục đó vào phát triển kinh tế -xã hội bền vững là mối quan tâm bộ máy nhà nước, của  khoa học hành chính.

 

Trong nhiều năm chúng ta đã có những tiến bộ về cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng trong sản xuất kinh doanh, đầu tư và giao lưu quốc tế. Kết quả đó được ghi nhận ở tốc độ và số lượng doanh nghiệp dân doanh tăng, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, tăng trưởng kinh tế, tăng xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội, bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn ở đầu mối các cơ quan trung ương và địa phương, lập lại trật tự kỷ cương trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống.

 

Tuy nhiên, thủ thục hành chính vẫn là rào cản mà chúng ta phải rà soát, công khai, bổ sung và loại bỏ ít nhất 30% thủ tục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rào cản đó thể hiện ở chỗ: nhiều thủ tục hành chính kéo dài thời gian do người thi hành công vụ gây ra, do nội dung của các thủ tục hành chính không bao quát, không kịp với những tình huống mới, do quá khứ để lại trong các vụ việc, nhận thức của những đối tượng tham gia còn hạn chế, hệ thống tư vấn chưa mạnh nhưng phí dịch vụ khá cao, thiếu kỹ thuật truyền thông,...

 

Vừa qua Chính phủ yêu cầu các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố bộ thủ tục hành chính, mới thấy tính phức tạp của hoạt động hành chính, có đến nhiều nghìn tủ tục hành chính ở mỗi địa phương, hàng trăm ở mỗi cơ quan trung ương (Bộ). Giai đoạn 1 của Đề án 30, giúp các đối tượng tham gia quan hệ hành chính và giới nghiên cứu thấy rõ hiện trạng, để thực thi và sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, giai đoạn 1 vẫn chưa thống kê hết thủ tục hành chính, năm cuối của thế kỷ trước khi thống kê các giấy phép, khiến bao người giật mình thấy những giấy phép “kỳ lạ” như giấy phép sửa chữa máy ảnh, đánh máy chữ, có nơi cấp giấy phép nuôi cá,... Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp tiến hành khảo sát, thu thập bản sao các giấy phép đó, kiến nghị được Thủ tướng quyết định xóa bỏ các giấy phép lỗi thời.

 

Các thủ tục hành chính là công cụ quản lý nhà nước của ngành, địa phương gắn với quyền lực, lợi ích của nhà nước, nhưng một số người thi hành công vụ có xu hướng lạm dụng ngay từ khi soạn thảo, ban hành và hướng dẫn thực hiện. Cải cách hành chính phải là việc làm liên tục, tạo ổn định và đồng bộ trong các đối tượng có liên quan.

 

Thứ nhất, các cơ quan hành chính là nơi thực hiện hoạt động hành chính cơ bản của đất nước, có mối liên hệ với tổ chức, cá nhân nên phải đi đầu thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về cải cách hành chính. Nguyên tắc rà soát phải bảo đảm mối liên thông thủ tục hành chính giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, với địa phương, thực hiện phân cấp quản lý, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, gom nội dung hành chính vào một số giấy tờ và đầu mối thực hiện, công khai hóa thủ tục trên nhiều kênh thông tin, đặc biệt là trên các trang điện tử công quyền phải đáp ứng được các yêu cầu của người truy cập, đặt chế độ hỏi đáp miễn phí.

 

Hiện nay xuất hiện nguy cơ chuyển dịch, “sao chép” thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương vào địa phương (UBND các cấp), vào các doanh nghiệp lớn (Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước), vào các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, thậm chí ngay cả khu vực tư nhân gây ra nhiều phiền phức. Việc dùng thủ tục hành chính tạo quyền lực là “hội chứng” không hay trong xã hội. Do vậy, cải cách hành chính phải có sự đồng bộ, thống nhất.

 

Điểm nhấn đầu tiên của cải cách hành chính ở cơ quan nhà nước là việc rà soát để loại bỏ thủ tục không cần thiết, xây dựng văn bản mới tức là tạo công cụ hành chính hữu hiệu. Trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy như nghị định, thông tư hướng dẫn, các quyết định,...cần bảo đảm đúng quy trình, trong đó phải dự tính được tác động của văn bản đó đến đối tượng có liên quan. Chúng ta từng gặp khá nhiều văn bản hành chính phải sửa lỗi kỹ thuật, bổ sung nội dung cho rõ ý, rất phiền phức và tốn kém. Việc lấy ý kiến vào dự thảo văn bản pháp quy, ngoài mở rộng cho toàn dân, cần tổ chức lấy ý kiến ở các đối tượng liên quan, cơ quan chuyên môn thẩm định (thuộc ngành tư pháp), tổ chức tư vấn độc lập. Nhiều công chức được giao tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo đã thất vọng khi nhận được ý kiến sơ sài của cơ quan tham gia góp ý. Điếm thứ hai, nên đồng thời ban hành nghị định và thông tư để không tạo ra khoảng trống “đợi” thông tư để thực hiện, cũng nên nghiên cứu hình thức nghị định chi tiết không cần thông tư hướng dẫn và ghi rõ “các bộ, ngành không ra thông tư hướng dẫn”. Điếm thứ ba, là quy chế công vụ và trách nhiệm công chức dưới hình thức văn bản và mô tả sơ đồ để bảo đảm tác nghiệp hành chính chuẩn tắc. Công chức cần được trang bị tốt kiến thức chuyên môn, được sát hạch đến “thuộc bài”, mỗi công chức cần trau dồi kiến thức pháp luật và năng lực công tác, kỹ năng xử l‎í tình huống... Ngoài việc cải cách tiền lương, nên chăng xây dựng quỹ “dưỡng liêm” từ ngân sách nhà nước, từ số tiền tiết kiệm chi tiêu hành chính, các nguồn hợp pháp để tăng thu nhập cho những công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bên cạnh những đãi ngộ, phê, phạt hiện hành.

 

Hai là, các doanh  nghiệp cần tăng cường năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ làm việc với cơ quan hành chính, ngoài am hiểu thủ tục để chấp hành còn phải chỉ ra những bất hợp lý của quy trình và nội dung hành chính mà chỉ doanh nghiệp vướng mắc. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hợp đồng với luật sư để giải quyết các thủ tục hành chính, điều đó có lợi là sử dụng tính chuyên nghiệp nhưng cũng dẫn đến trạng thái ỷ lại của cán bộ nghiệp vụ, làm tăng chi phí kinh doanh. Kinh nghiệm chỉ ra, những doanh nghiệp làm ăn tốt cũng là những doanh nghiệp có nhiều cán bộ nghiệp vụ am hiểu pháp luật, thông thạo thủ tục hành chính, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh, tiếp cận tốt những nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn lực của xã hội, của các đối tác; ngược lại nhiều doanh nghiệp mất cơ hội là do lỗi của mình chứ không phải của bộ máy hành chính. Đâu đó chúng ta thấy doanh nghiệp than phiền về thủ tục hành chính là do doanh nghiệp không có cán bộ chuyên môn giỏi, ngại học hỏi, mất tự tin khi làm việc với cơ quan công quyền...

 

Mỗi doanh nghiệp có những đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, không có doanh nghiệp làm tất cả các ngành nghề, nhưng các doanh nghiệp đều phải thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến Luật Doanh nghiệp, luật đầu tư, luật về ngân sách, tín dụng, thuế, bảo hiểm, hải quan,... do vậy việc hướng dẫn chung là cần thiết, đồng thời doanh nghiệp phải nắm được thủ tục hành chính về quản lý nhà nước của ngành. Tôi cho rằng có đến 1000 tình huống hành chính chi tiết là bao quát hết các thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Do vậy, các Tổ thực hiện đề án 30 phải kết nối với các Bộ, Ngành, địa phương về các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

 

Ba là, Thực chất các thủ tục hành chính liên quan đến người dân chưa nhiều, sự vướng mắc là do chính phía người dân không nắm được thủ tục, không được chỉ dẫn; từ năng lực, phẩm chất yếu kém của công chức thừa hành công vụ, đặc biệt là thái độ với người dân thiếu ân cần, chu đáo. Không thể bắt người dân hiểu ngay, hiểu như công chức, mà phải hướng dẫn để người dân hiểu được các thủ tục hành chính tất yếu, mặt khác phải chấm dứt vĩnh viễn các khoản thu không nằm trong danh mục lệ phí mà nhà nước ban hành, không còn cái gọi là “chạy thủ tục hành chính”. Vướng mắc trong dân không được giải tỏa dẫn đến những hậu quả rất xấu như khiếu kiện tập thể, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Theo chúng tôi, cải cách hành chính ở địa phương và cơ sở tập trung vào tuyên truyền, giáo dục pháp luật, công khai hóa các thủ tục hành chính, thông tin kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng và vận hành tốt các trung tâm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng, ứng dụng các công cụ và phương pháp tuyên truyền hiện đại, thường xuyên tổ chức đối thoại, giải đáp các câu hỏi theo chủ đề đến các đối tượng liên quan. Chúng ta không vội trách người dân không nắm được pháp luật, thủ tục hành chính mà chúng ta tự trách mình đã không cung cấp thông tin cho dân, để dân hiểu sai, làm sai, kẻ xấu lợi dụng.

 

Tuy nhiên, tuyên truyền đến người dân bằng việc đưa các văn bản không hiệu quả bằng việc đưa và các tình huống hành chính từ việc khai sinh, tuyển quân, giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, quy hoạch đất đai, thừa kế, bảo vệ môi trường, hôn nhân,...cũng chỉ khoảng 1000 tình huống với cách chỉ dẫn cơ bản, chỉ dẫn tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cơ quan tư vấn, hoặc thông qua hoạt động của các tình nguyện viên tư vấn hành chính...

Bốn là, các đoàn thể, hiệp hội, viện và trung tâm nghiên cứu tư nhân (hiện khoảng trên 100 viện, trung tâm) quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước theo nguyên tắc chịu sự quản lý nhà nước theo ngành, hoạt động khi có giấy phép và theo điều lệ được phê duyệt. Việc các tổ chức này góp ý vào các dự thảo văn bản pháp quy,... cũng phải theo pháp luật, theo Quyết định 97/2009/QĐ-TTg “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”. Đây cũng là thủ tục hành chính hợp hiến, hợp pháp. Theo tôi, các tổ chức này cần được nhà nước đặt hàng để: nghiên cứu khoa học, góp ý xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực ngành, tuyên truyền các thủ tục hành chính, tư vấn cho cộng đồng thực hiện đúng hiến pháp, pháp luật.

Về tổ chức luật sư, theo tôi cần xã hội hóa mạnh hơn để bảo đảm trong cộng đồng dân cư có những luật sư tình nguyện trợ giúp pháp lý cho người dân bên cạnh cách tư vấn pháp luật theo cơ chế thị trường, vì nhiều người dân sợ tốn phí càng không hiểu các thủ tục hành chính dẫn đến những hệ lụy.