Hội nghị được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tại trụ sở Bộ Công Thương, do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì. Cùng tham dự có đại diện các Bộ, ngành liên quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, việc phát triển cụm công nghiệp thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp (đặc biệt tại khu vực nông thôn), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly huơng” và xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển bền vững các cụm công nghiệp, thể hiện cụ thể ở các văn bản: Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta 10 năm 2011-2020, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành trung ương đảng khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị sịnh số 66/2020/NĐ-CP đã gặp vướng mắc, khó khăn do chưa đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như Luật Đầu tư, Xây dựng, phát luật Đất đai,… và một số nội dung, quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP về phương án phát triển cụm công nghiệp; điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; xử lý cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg,… cũng cần được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung lại cho phù hợp với yêu cầu quản lý cụm công nghiệp hiện nay.
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp được ban hành nhằm thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; các nội dung về quy định chuyển tiếp được quy định tại Điều 35 của Nghị định.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; đảm bảo quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
Đối tượng áp dụng của Nghị định là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tới quản lý, đầu tư và hoạt động của cụm công nghiệp.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục Công Thương địa phương cũng giới thiệu, phổ biến một số nội dung cơ bản trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và một số nội dung Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ vừa được ban hành.