Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 không thực sự tích cực

Các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn tài chính Morgan Stanley và ANZ nhận định, cái bắt tay vui mừng giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc giai đoạn 1 thực sự không mang ý nghĩa quá lớn.

Diễn biến của thị trường hàng hóa trong những ngày qua đã phản ánh sự quan ngại của giới đầu tư về triển vọng Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại thực sự.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được cuối tuần trước đã đánh dấu bước ngoặt, cho thấy hy vọng giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thị trường Chứng khoán Hoa Kỳ và giá nhiều loại hàng hóa – nguyên liệu chủ chốt như dầu thô đồng loạt tăng vào tuần trước khi căng thăng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc được xoa dịu với bản thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau hai ngày đàm phán (10 và 11/10). Tuy nhiên, đà giảm của thị trường đã xuất hiện vào cuối phiên giao dịch thứ Sáu (11/10) sau khi các vấn đề thực tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu bộc lộ.

Tong thong Donald Trump
Cái bắt tay không mang nhiều ý nghĩa

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố là “lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ” vẫn chưa được chính thức ký kết. Ông Donald Trump cho biết, thỏa thuận chứa các nội dung về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, tiền tệ và nông nghiệp nhưng không cho biết chi tiết cụ thể. Ông nói rằng thỏa thuận chưa được viết chi tiết và có thể mất tới 5 tuần để kết thúc giai đoạn một. Tuy nhiên, ông hy vọng ký thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ tới Chile dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương giữa tháng 11 tới đây.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng lưu ý các khúc mắc thương mại chính giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa được giải quyết trong lần đàm phán vừa rồi mà được để lại cho các cuộc đàm phán tiến theo, triển vọng hướng tới chấm dứt xung đột thương mại giữa hai quốc gia chưa vững chắc. Các khúc mắc chính mà Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cần đàm phán để tiến tới giải quyết dứt điểm cuộc chiến thương mại lần này, gồm việc hoãn lại đợt tăng thuế tháng 12, vấn đề về tập đoàn Huawei, danh sách Thực thể của Hoa Kỳ, cáo buộc thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và việc dỡ bỏ các đợt tăng thuế hiện tại. 

Ông Raymond Yeung, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc Đại lục tại tập đoàn tài chính ngân hàng ANZ, nhận định dù Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được bước tiến mới trong giải quyết xung đột thương mại nhưng những rủi ro kinh tế vẫn kéo dài khi các cuộc đàm phán thương mại chuyển qua những giai đoạn khác nhau.  Theo ông Raymond Yeung, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chủ yếu bao gồm việc mua thêm nông sản, hoãn áp thuế và gia tăng tiếp cận thị trường; nhưng những vấn đề cốt lõi về chuyển giao công nghệ và an ninh quốc gia là những rào cản lớn giữa quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Michael Zezas và Meredith Pickett, hai chiến lược gia của tập đoàn tài chính Morgan Stanley nhận định, chưa có một hướng đi khả thi nào đối việc cắt giảm thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và vẫn hiện hữu rủi ro hai bên sẽ nâng thuế. Do vậy, các chuyên gia của Morgan Stanley dự báo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa có cơ hội hồi phục.  

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Chưa có một hướng đi khả thi nào đối việc cắt giảm thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Trong ngày 14/10, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết, một đợt tăng thuế mới nhắm đến 156 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ được áp dụng kể từ ngày 15/12 nếu như Trung Quốc không ký thỏa thuận thương mại một phần mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thống nhất đạt được cuối tuần trước. Việc Trung Quốc đồng ý với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 cuối tuần trước đã giúp nước này tránh được một đợt tăng thuế mới của Hoa Kỳ nhắm đến 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, vốn có hiệu lực trong tuần này.

Ngày 13/10, ông Donald Trump đã chia sẻ trên Twitter về việc Trung Quốc bắt đầu mua thêm nông sản từ Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc gia tăng mua nông sản từ Hoa Kỳ sẽ là một thắng lợi chính trị quan trọng đối với cuộc đua tái ứng cử Tổng thống 2020 của ông Donald Trump. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định động thái Trung Quốc thu mua 50 tỷ USD nông sản của Hoa Kỳ không có ý nghĩa gì nhiều với một nền kinh tế quy mô GDP đạt 21.000 tỷ USD. Đồng thời, nếu như chính quyền ông Donald Trump áp đặt thuế lên số hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ ngày 15/12/2019 thì giá cả một loạt sản phẩm tiêu dùng tại Hoa Kỳ sẽ đắt đỏ hơn.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg vừa cho biết Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc việc tăng gấp đôi số lượng nông sản mua từ Hoa Kỳ, lên đến 50 tỷ USD mỗi năm theo như thỏa thuẩn thương mại giai đoạn 1 nếu như Hoa Kỳ không dỡ bỏ thuế quan nhắm đến hàng hóa nước này.

Quang Đặng / Tổng hợp