Thua lỗ lịch sử cùng áp lực bán tháo cổ phiếu, liệu Thép Pomina (POM) có vượt qua cơn “bĩ cực”?

Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã cổ phiếu POM) chuẩn bị tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để tiến hành tái cấu trúc trong bối cảnh thua lỗ nghiêm trọng nhất lịch sử.

Thua lỗ cao nhất lịch sử và áp lực bán tháo cổ phiếu từ người nội bộ

Thép Pomina
Thép Pomina đang ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 868 tỷ đồng, bằng 31% vốn điều lệ.

Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã cổ phiếu POM - sàn HoSE) vừa cho biết, ngày 16/2/2024, sẽ chốt danh sách cổ đông để tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm thông qua phương án tái cấu trúc công ty trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty thua lỗ kéo dài và người có liên quan liên tục thoái vốn.

Thép Pomina được thành lập vào năm 1999 và niêm yết lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2010. Tại thời điểm này, Thép Pomina là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam và có thị phần cao hơn cả Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG).

Hiện tại, Thép Pomina đang có 3 nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất 2,6 triệu tấn. Trong đó, công suất luyện phôi thép là 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng đạt 1,1 triệu tấn. Thép Pomina hiện tập trung chủ yếu vào mảng thép xây dựng với thị trường trọng điểm là các tỉnh miền Nam.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, trong 9 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina chỉ ghi nhận doanh thu 2.948 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022 và báo lỗ sau thuế 647 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 707 tỷ đồng. Mức lỗ này cũng cao hơn nhiều do so với kế hoạch chỉ lỗ 150 tỷ đồng trong cả năm 2023 của hãng thép này.

Ngoài ra, với việc tiếp tục thua lỗ trong 3 quý kinh doanh vừa qua, Thép Pomina đang ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 868 tỷ đồng, bằng 31% vốn điều lệ. Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ yếu, giá thép giảm sâu, và chi phí cố định của dự án lò cao mới đi vào hoạt động còn ở mức cao.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao cũng khiến chi phí lãi vay “bào mòn” lợi nhuận của hãng thép này. Hiện nợ vay của Thép Pomina lên đến khoảng 7.000 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu, khiến chi phí lãi vay lên đến gần 400 tỷ đồng. Trong báo cáo kiểm toán bán niên 2023, Thép Pomina ghi nhận khoản nợ quá hạn 3.100 tỷ đồng, trong đó có 2.200 tỷ đồng nợ vay và hơn 900 tỷ đồng phải trả người bán.

Trong năm 2022, Thép Pomina đã lỗ ròng 1.168 tỷ đồng - mức lỗ cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này và cũng là mức lỗ nặng nhất trong số các công ty thép niêm yết.

Cổ phiếu POM Thép Pomina
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu POM của Thép Pomina từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, ngoài áp lực từ hoạt động kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu POM của Thép Pomina còn chịu áp lực từ làn sóng bán tháo của người thân liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp.

Tính tới ngày 15/01/2024, những người liên quan tới ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Thép Pomina đã bán ra hơn 31 triệu cổ phiếu POM, tương đương hơn 11% vốn điều lệ công ty. Hiện vẫn còn gần 4 triệu cổ phiếu POM đang được đăng ký bán ra và chưa hoàn tất giao dịch.

Liệu Thép Pomina có vượt qua cơn “bĩ cực”?

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 hồi tháng 7/2023, ông Đỗ Duy Thái từng nhận định, đầu năm 2024, thị trường thép có thể khởi sắc nhờ đầu tư công, nhưng “tiêu thụ tăng nhiều lắm là chỉ 15-20% vì nhu cầu thép ở Việt Nam chủ yếu đến từ bất động sản. Nhìn bất động sản cũng có thể biết được diễn biến của ngành thép, nhất là thép xây dựng”.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính hiện nay, sức cầu sử dụng thép sẽ chỉ hồi phục chứ không có sự bứt phá, khiến giá thép năm nay sẽ chỉ biến động nhẹ theo giá nguyên vật liệu đầu vào và khó có thể bật tăng mạnh trở lại.

Ban lãnh đạo Pomina cũng cho biết khả năng hoạt động liên tục của công ty sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo dòng tiền trong tương lai và sự hỗ trợ về mặt tài chính của ngân hàng cũng như nhà đầu tư chiến lược.

Thép Pomina
Chủ tịch hãng thép Nansei Steel ông Inafuku Makoto phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Thép Pomina.

Trước đó, Thép Pomina đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 70,17 triệu cổ phiếu POM với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 20% vốn điều lệ công ty) hãng thép Nhật Bản là Nansei Steel. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Dự kiến Thép Pomina sẽ thu về khoảng 700 tỷ đồng từ đợt phát hành này.

Nansei Steel là nhà cung cấp nguyên liệu kim loại tái chế tại Nhật Bản với khoảng 30 cơ sở kinh doanh, với thế mạnh là xuất khẩu. Nansei Steel dự kiến sẽ là nhà cung cấp nguyên vật liệu cho Thép Pomina thời gian tới.

Xem thêm: "Năm 2024 - “Hừng đông” đối với ngành thép" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cũng tại Đại hội, ông Inafuku Makoto - Chủ tịch hãng thép Nansei Steel cho biết công ty đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản và ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán cho thương vụ này. Thép Pomina cũng đã công bố việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này lên mức tối đa là 65% để mở đường cho thương vụ trên.

Ngoài ra, Thép Pomina cũng dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH Pomina 3. Đồng thời, công ty thế chấp quyền sử dụng lô đất gần 4,3 ha cùng máy móc thiết bị, nhà xưởng tại Khu công nghiệp Sóng thần II (tỉnh Bình Dương) để vay tối đa 699 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV.

Ban lãnh đạo Thép Pomina kỳ vọng các phương án tài chính trên sẽ giúp công ty thu đủ số tiền để tái khởi động lò cao, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, và tăng năng lực tài chính trong thời gian tới.

Trong quá khứ, đã từng có lúc Thép Pomina kinh doanh “bùng nổ”, với lãi ròng mỗi năm lên tới 400-650 tỷ đồng như giai đoạn năm 2008-2011 và 2016-2018.

Duy Quang