Thực trạng thực hiện chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội

NGUYỄN VĂN DIỄM (NCS. Khoa Chính sách công, Học viện Khoa học Xã hội)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực tiễn chính sách và tổ chức thực hiện chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Từ khóa: thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải, Thành phố Hà Nội, môi trường.

1. Nội dung thực hiện chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải là một nội dung của chính sách bảo vệ môi trường. Theo đó, chính sách này bao gồm các nội dung sau:

- Chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đây là chính sách trọng tâm trong nhóm chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Mục tiêu của chính sách này hướng tới việc thu gom các chất thải rắn sinh hoạt được phát thải và có giải pháp xử lý, tái chế, tái sử dụng và tái tạo năng lượng theo công nghệ mới, từng bước xóa bỏ phương pháp chôn lấp truyền thống, qua đó đảm bảo không để xảy ra trạng thái ùn ứ.

- Chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý nước thải sinh hoạt. Chính sách này hướng tới đồng bộ hệ thống thu gom và gia tăng năng lực xử lý nước thải sinh hoạt từ các nguồn thải, như: hộ gia đình, nhà hàng và cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

- Chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý rác thải y tế, rác thải nguy hại. Chính sách này nhằm hướng tới các mục tiêu thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý nguồn thải độc hại, có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật hoặc khả năng hủy hoại môi trường cao từ các nguồn thải bệnh viện và hộ gia đình. Đặc biệt, chính sách hướng tới 2 quy trình hiện nay trên thực tế chưa được xây dựng và vận hành hiệu quả, gồm: quy trình thu gom và xử lý rác thải y tế quy mô lớn và quy trình thu gom, xử lý rác thải nguy hại từ cộng đồng dân cư.

- Chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý rác thải công nghiệp. Chính sách này hướng tới mục tiêu thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý các phế phẩm công nghiệp bị loại thải đặc biệt như bùn công nghiệp, cặn kim loại, hóa chất tráng nhúng,…  được phát thải sau quá trình sản xuất công nghiệp từ các khu, cụm công nghiệp hoặc các làng nghề.

2. Thực trạng chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Các chính sách về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cũng đã được Chính quyền Thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ và cụ thể. Trên cơ sở Quyết định số 609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 25/4/2014 về việc Phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chính quyền Thành phố cũng đã cụ thể hóa bằng các chính sách như sau:

- Quyết định số 2994/QĐ-UBND ngày 16/6/2018 và Quyết định số 2990/QĐ-UBND ngày 16/6/2018 phê duyệt chủ trương đầu tư của 2 dự án, hiện đang triển khai gồm: dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng 500 tấn/ngày của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Indovin Power và dự án đốt rác phát điện của Hitachi Zonsen và T&T công suất 1.000 tấn/ngày.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã có Tờ trình số 24/TTr-UBND ngày 30/3/2018 trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch, trong đó đề xuất một số nội dung quan trọng như: nâng công suất Nhà máy Xử lý nước thải Phương Đình, huyện Đan Phượng từ 300 tấn/ngày đêm lên công suất 600 tấn/ngày đêm; cho phép triển khai và cập nhất vào quy hoạch Khu xử lý rác thải Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, công suất 2.500 tấn/ngày đêm; bổ sung chức năng xử lý chất thải nguy hại, y tế, phù hợp với công nghệ đốt Plasma tại Khu Xử lý chất thải rắn Việt Hùng[2].

- Quyết định số 2471/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 phê duyệt dự toán kinh phí điều tra, khảo sát, xây dựng và triển khai Đề án Xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án Thu gom, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

- Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 phê duyệt Đề án Xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Tờ trình số 7212/TTr-STNMT ngày 02/8/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tờ trình này đã được phê duyệt vào tháng 11/2020 và đang trong giai đoạn nghiên cứu triển khai thực hiện.

3. Thực trạng tổ chức thực hiện chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Thực trạng tổ chức triển khai và thực hiện nhóm chính sách kiểm soát ô nhiễm, suy thoái; xử lý chất thải và giảm thiểu các nguồn phát sinh gây ô nhiễm, suy thoái môi trường được thể hiện dưới các khía cạnh nội dung sau:

Thứ nhất, tổ chức triển khai và thực hiện chính sách thẩm định bảo cáo đánh giá tác động môi trường. Từ năm 2015 đến hết năm 2021, 100% các dự án đầu tư mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch Bảo vệ môi trường (trước đây là cam kết bảo vệ môi trường) trước khi được cấp phép đầu tư hoặc trước khi cấp phép xây dựng, hoàn thiện các thủ tục hoàn thành xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành trước khi đi vào hoạt động chính thức theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Đồng thời, không phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường[2].

Thứ hai, tổ chức triển khai và thực hiện chính sách thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2016 - 2021, kết quả thanh tra, kiểm tra hàng năm trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy, từ năm 2011 - 2014, tỷ lệ cơ sở vi phạm hành chính có xu hướng giảm dần, trong đó số cơ sở xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép đã giảm từ 73 cơ sở (tỷ lệ được thanh tra) năm 2016, xuống còn 62 cơ sở (tỷ lệ 25,15% số cơ sở được thanh tra) trong năm 2017. Trong 2 năm 2018 - 2019, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trên địa Thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra được 5.072 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 1.477 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 28.477.415.000 đồng. Năm 2020, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra tại 2.583 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở với tổng số tiền phạt là 18.497.299.925 đồng. Trong năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra tại 2.991 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 1.817 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 15.840.569.253 đồng[2].

Thứ ba, tổ chức triển khai và thực hiện chính sách xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến hết năm 2014, đã có 25/25 cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm. Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: Bệnh viện Nam Thăng Long; Khu Xử lý chất thải Nam Sơn; Cảng Hàng không Nội Bài với hình thức xử lý là xây dựng hoặc cải tạo hệ thống xử lý nước thải, không có cơ sở nào phải áp dụng biện pháp di chuyển địa điểm. Thời hạn xử lý từ năm 2017 - 2018, tuy nhiên đến nay, mới có 1/3 cơ sở chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để là Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hiện đã tạm dừng xem xét hồ sơ của 2 cơ sở còn lại để chờ hướng dẫn mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ tư, tổ chức triển khai và thực hiện chính sách di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch. Năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị (theo Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 16/04/2015) và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo (theo Quyết định số 2574/QĐ - UBND ngày 05/6/2015). Năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra ngoài khu vực nội thành (theo Quyết định số 6489/QĐ-UBND ngày 18/9/2017).

Trong giai đoạn từ 2015 - 2017, công tác rà soát việc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở và việc chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án tại Hà Nội được triển khai với các hoạt động, như: tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời; xây dựng quy chế, cơ chế tài chính, tiêu chí di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành.

Kết quả việc chuẩn hóa danh mục đến hết năm 2021 là 117 cơ sở, trong đó:

- 113 cơ sở không phù hợp với quy hoạch đô thị;

- 1 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch đô thị (Công ty CP Cơ khí Cầu đường);

- 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải tiếp tục theo dõi đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường (Công ty Sen vòi Viglacera, Công ty Cổ phần Bao bì má phanh Viglacera và Nhà máy Bia Việt Pháp)[2].

4. Đánh giá chung thực thực trạng thực hiện chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải rắn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải rắn là vấn đề quan tâm đặc biệt trong thực hiện chính sách bảo vệ môi trường Hà Nội. Như số liệu đã dẫn ở phần phân tích thực trạng, với tốc độ gia tăng nhanh chóng của lượng rác thải sinh hoạt đã gây ra những áp lực lớn trong việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường ở Thủ đô. Mặc dù số liệu thực tiễn về thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải rắn đã có những bước tăng trưởng về khối lượng rất lớn, tuy nhiên sự tăng trưởng này là chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải rắn. Hiện nay, khoảng 90% rác thải sinh hoạt của Hà Nội được xử lý theo phương thức chôn lấp truyền thống, chỉ 10% áp dụng công nghệ cao. Việc chôn lấp chủ yếu được thực hiện tại các bãi tập kết rác thải sinh hoạt chủ yếu của Hà Nội ở bãi Nam Sơn, huyện Sóc Sơn với khối lượng chiếm trên 70% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom của Thành phố. Tuy nhiên, bãi rác Nam Sơn lại trở thành điểm ô nhiễm môi trường lớn nhất Hà Nội và gây ra tình trạng khủng hoảng cuộc sống của người dân khu vực này. Chính bất cập này đã khiến cho trong những năm gần đây, người dân phản đối, thậm chí có các hành vi cản trở việc tiếp tục tập kết rác tại bãi Na Sơn khiến cho việc ùn ứ rác thải sinh hoạt diễn ra thường xuyên bên cạnh 30% tổng lượng rác thải chưa được thu gom, xử lý. Điều này cho thấy, hiện nay, vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải rắn thiếu sự đa dạng trong lựa chọn, sự phụ thuộc hoàn toàn vào bãi rác Nam Sơn khiến cho Hà Nội phải trả giá khi hoạt động của bãi rác này bị đình trệ. Tương tự như vậy, việc xử lý rác thải rắn cũng gặp nhiều khó khăn do lượng xả lớn, trong khi đó các nhà máy xử lý chất thải rắn theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại còn hạn chế. Do đó, lượng rác thải rắn chủ yếu được xử lý dựa trên công nghệ đốt hoặc tái chế truyền thống. Đây lại là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí trên địa bàn Thành phố. 

5. Giải pháp tăng cường thực hiện chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Để tăng cường thực hiện chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

-  Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải rắn. Thống nhất vai trò quản lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Tăng cường thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất thải rắn.

- Xây dựng lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi,... Cụ thể cần chú ý tới các nội dung sau: Xây dựng quy định việc thu phí chất thải rắn theo khối lượng phát sinh nhằm khuyến khích việc giảm thiểu, phân loại chất thải rắn; Nghiên cứu xây dựng đơn giá xử lý chung cho từng công nghệ xử lý chất thải rắn để thống nhất áp dụng cho các địa phương trên toàn địa phương; Ban hành đơn giá xử lý chất thải rắn có thu hồi năng lượng; nghiên cứu cơ chế chính sách giảm phí cho các cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt việc phân loại chất thải tại nguồn theo quy định.

- Rà soát đề xuất các chính sách ưu đãi hỗ trợ theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong quản lý chất thải rắn. Theo đó, cần đánh giá, tổng hợp nhu cầu nguồn vốn đầu tư phục vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại các địa phương và trên toàn quốc; rà soát, lập danh sách các dự án thu gom, xử lý chất thải rắn cấp tỉnh, cấp huyện và liên xã; các dự án ưu tiên đầu tư; các dự án thực hiện theo phương thức xã hội hóa của địa phương. Đồng thời, sớm triển khai cơ chế huy động vốn đầu tư, thủ tục đầu tư rút gọn, các chính sách ưu đãi đặc thù, giải pháp công nghệ phù hợp; quản lý, vận hành với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức nước ngoài nhằm thúc đẩy việc xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư tăng cường cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, đảm bảo hiệu quả, minh bạch phù hợp với thực tiễn; tăng cường xã hội hoóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước tham gia vào quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại, thân thiện với môi trường, theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải. Theo đó, cần nhanh chóng chuyển đổi phương pháp xử lý chất thải rắn bằng chôn lấp sang đốt để thu hồi năng lượng, có hướng dẫn xử lý tro đáy, tro bay phát sinh phù hợp; đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi giá mua, bán điện từ xử lý chất thải rắn đã ban hành.

- Cần nhanh chóng và quyết liệt triển khai có hiệu quả các dự án thoát nước và xử lý nước thải trong quy hoạch. Theo đó, giai đoạn từ 2021 - 2025, chính quyền Thành phố Hà Nội cần tập trung triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo quy hoạch thuộc khu vực đô thị trung tâm (vùng Tả Đáy), như: lưu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh. Tập trung vào khu vực phát triển đô thị, các khu công nghiệp, huyện trong đề án lên quận, khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, như: Hoàn thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải lưu vực Tô Lịch; Lưu vực Tả Nhuệ có diện tích khoảng 58km (gồm: tiểu lưu vực Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Nam Thăng Long và Ba Xã); Lưu vực Hữu Nhuệ; Lưu vực Hà Đông; Lưu vực Long Biên và Gia Lâm; Lưu vực Đông Anh; Lưu vực Sơn Tây.

- Quyết liệt yêu cầu và tìm kiếm phương án cho các khu, cụm công nghiệp đầu tư hệ thống nước thải tập trung. Tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp; yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; buộc đối tượng có quy mô xả lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương; hoàn thành việc phê duyệt, rà soát phê duyệt lại theo thẩm quyền quy hoạch quản lý chất thải rắn; tổ chức thực hiện ngay quy hoạch đã được phê duyệt; điều tra, đánh giá, khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn.

- Chú trọng các giải pháp liên quan đến thu gom và xử lý nước thải làng nghề. Cần sớm lên quy hoạch hệ thống thoát nước chung cho các làng nghề hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo đó, giai đoạn một ưu tiên xây dựng cống thoát nước chung và trạm gom nước xả cho từng làng nghề để khắc phục hiện tượng các hộ sản xuất xả trực tiếp nước thải một cách tự phát như hiện nay. Giai đoạn hai cần có sự kết nối mạng lưới vận chuyển nước thải của các làng nghề trong cùng một địa bàn để cho hướng xử lý tập trung. Bên cạnh đó, cũng sớm nghiên cứu phương án thu phí xả thải sản xuất của các hộ gia đình trong làng nghề thông qua công tơ tính khối lượng nước xả. Biện pháp này vừa hạn chế được lưu lượng xả thải, đồng thời cũng góp phần giải quyết bài toán kinh phí khi xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung của các làng nghề.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đặng Thị Hà (2014). Chính sách thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở thành phố Đà Nẵng, Luận văn Thạc sĩ ngành Chính sách công, Học viện Khoa học Xã hội.
  2. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (2021). Báo cáo tổng kết Hiện trạng môi trường Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021, Báo cáo nội bộ, Hà Nội.
  3. Nguyễn Danh Sơn (2015). Một số vấn đề về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở nước ta, Hội thảo quốc gia “Môi trường và Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi”, tr. 35-41.

 

THE CURRENT IMPLEMENTATION OF POLICIES

ON WASTE COLLECTION, TRANSPORTATION,

STORAGE AND TREATMENT IN HANOI CITY

NGUYEN VAN DIEM

Ph.D student, Faculty of Public Policy, Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

This paper analyzes the policy practice and the organization of waste collection, transportation, storage and treatment in Hanoi city.

Keywords: collection, transportation, storage, waste treatment, Hanoi city, environment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]