Dưới đây là các mô tả khái quát tiềm năng phát triển của một số ngành kinh tế biển có triển vọng ở nước ta, gồm hoạt động khai thác thuỷ sản, kinh tế hàng hải, du lịch biển và kinh tế đảo, dầu khí, và năng lượng tái tạo.
Tiềm năng phát triển hoạt động khai thác thuỷ sản
Đặc trưng đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển của Việt Nam đã cung cấp một lượng lớn nguồn lợi thuỷ sản cho nền kinh tế: khoảng gần 5 triệu tấn cá biển với khả năng khai thác bền vững là 2,3 triệu tấn/năm, chưa tính đến trữ lượng tôm biển, mực và các loài sinh vật đáy trong vùng triều. Khoảng 15 bãi cá lớn (12 bãi cá phân bổ ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi) cùng các bãi tôm phân bố ở vùng biển sát bờ thuộc Vịnh Bắc Bộ và biển Tây Nam Bộ đã được phát hiện và khai thác ổn định. Mùa cá sinh sản tại nước ta diễn ra quanh năm với cao điểm diễn ra từ tháng 3 – 7 hàng năm. Cấu trúc quần đàn cá biển phong phú nhưng không lớn với quần đàn cá nhỏ dưới 5 x 20m chiếm đến 84%, đàn cá lớn cỡ 20 x 500m chiếm 0,1% tổng số đàn cá ước tính. Chính vì thế, nghề cá nước ta là “nghề cá đa loài”, hoạt động khai thác quy mô nhỏ gắn chặt với sinh kế của người dân ven biển và trên các đảo ven bờ.
Đặc trưng như vậy đòi hỏi công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phải được thực hiện rất tốt, vì để đánh bắt một loài cá kinh tế mong muốn trong mỗi hoạt động khai thác có thể sẽ phải loại bỏ từ 30% - 70% lượng cá tạp đi kèm.
Tiềm năng sinh vật biển, ven biển và đảo đã cung cấp tiền đề quan trọng, góp phần đưa nước ta trở thành một “quốc gia thuỷ sản” phát triển vững mạnh. Thời gian qua, khoảng 80% lượng thuỷ sản đã được khai thác từ vùng biển ven bờ và vùng nước lợ ven biển, đáp ứng nhu cầu protein quan trọng cho người dân và có đóng góp lớn, khá ổn định vào thị phần xuất khẩu, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Tiềm năng phát triển kinh tế hàng hải
Nước ta có lợi thế trong phát triển kinh tế hàng hải và cảng biển với bờ biển dài (hơn 3.200 km, không tính bờ các đảo), khúc khuỷu, nhiều eo, vũng, vịnh và khoảng hơn 114 cửa sông lớn, nhỏ đổ ra biển. Trong đó, trung bình cứ khoảng 20 km có một cửa sông lớn. Dải ven biển tập trung khoảng 50% đô thị lớn, 18 khu kinh tế ven biển và khoảng 300 khu công nghiệp, khu chế xuất và 4 vùng kinh tế trọng điểm – là các điểm trung chuyển, tập kết hàng hoá nọi địa quan trọng cho các cảng và vận tải biển.
Ngoài ra, ven biển nước ta lại nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế và khu vực cắt qua Biển Đông, một vị trí chiến lược trên trục đường vận tải biển quốc tế để trung chuyển hàng hoá giữa châu Á và các châu lục khác. Trung bình mỗi ngày có 250 – 300 lượt tàu biển vận chuyển qua Biển Đông, trong đó có hơn 50% tàu có trọng tải trên 5.000 DWT, khoảng 15-20% tàu có trọng tải từ 30.000 DWT trở lên, chiếm 1/4 lượng tàu hoạt động trên các vùng biển trên toàn cầu. Ngoài hai vịnh lớn (Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan), còn có khoảng 50 vũng, vịnh nhỏ ven bờ (chiếm khoảng 60% chiều dài đường bờ biển), trong đó có 12 vũng lớn, có độ sâu đạt tiêu chuẩn làm cảng biển.
Hệ thống đường giao thông ven biển cũng được nước ta liên tục phát triển trong thời gian vừa qua. Phần lớn các thành phố, tỉnh ven biển có sân bay, có tuyến đường sắt Bắc – Nam, hệ thống đường bộ xuyên liên tỉnh, liên vùng xuyên suốt, trong đó, một số tuyến đường cao tốc đồng bộ đã dần thành hình. Đây là những tiền đề cho phát triển cảng biển - cửa ngõ giao thương và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới và tạo thuận lợi cho liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển nước ta.
Đặc biệt, bờ biển nước ta được mở ra theo cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao thương quốc tế. Dọc ven biển, ngoài cảng biển, nhiều vị trí phù hợp để xây dựng các nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu biển, tạo điều kiện cho công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển phát triển. Trên 100 địa điểm tự nhiên có thể xây dựng thành các cảng biển, không ít vị trí có thể xây dựng thành cảng nước sâu, trong đó một số nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển và cảng cửa ngõ quốc tế có quy mô lớn trong khu vực.
Cụ thể, khoảng 10 điểm có thể xây dựng thành cảng biển nước sâu và nhiều điểm cảng tầm trung với tổng sản lượng hàng hoá vận chuyển lên tới hơn 50 triệu tấn/năm. Kéo theo đó, các dịch vụ hàng hải - cảng biển cũng có nhiều triển vọng phát triển. Đội tàu biển và công nghiệp đóng tàu, lĩnh vực dịch vụ hàng hải cũng có nhiều lợi thế phát triển nhưng đến nay ngành kinh tế hàng hải chưa tận dụng triệt để những lợi thế sẵn có này.
Tiềm năng phát triển du lịch biển và kinh tế đảo
Việt Nam được đánh giá sở hữu nhiều cảnh quan biển, đảo đẹp, kể cả cảnh quan ngầm dưới đáy biển ở các vùng rạn san hô, cùng với khoảng 125 bãi cát biển, trong đó có trên 20 bãi biển đạt tầm quốc tế về cả quy mô và hình thức. Một số bãi biển của nước ta đã được các tổ chức quốc tế uy tín bình chọn là những bãi tắm đẹp nhất thế giới, như bãi biển Đà Nẵng, Lăng Cô, Nha Trang… Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới như: vịnh Hạ Long, vịnh Lăng Cô,…
Việt Nam là một quốc gia có nhiều đảo và đảo là một loại hình hệ sinh thái đặc thù, chúng hợp thành các tuyến đảo, cụm đảo, quần đảo và hệ thống đảo quốc gia. Các đảo của nước ta phân bổ tự nhiên thành các tuyến và nhìn từ đất liền ra biển, đây là những “phên dậu” bảo vệ lãnh thổ đất liền của Tổ quốc, ngoài cùng “tấm bình phong” Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên, về mặt chủ quyền có thể ví mỗi hòn đảo như một cột mốc chủ quyền tự nhiên của quốc gia, về mặt an ninh, quốc phòng, mỗi hoàn đảo như một “chiến hạm không thể đánh chìm” và về ý nghĩa kinh tế, mỗi hòn đảo là một “viên ngọc xanh” của Tổ quốc ta.
Hệ thống đảo Việt Nam phân bố tập trung ở ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng. Vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo là nơi tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam, 6/8 khu dự trữ xinh quyển, nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều di tích văn hoá - lịch sử… Ngoài ra, những đảo ven bờ có diện tích lớn, đông dân cư như Phú Quốc, Cái Bàu, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo… là những không gian lãnh thổ có tiềm năng lớn cho phát triển ngành du lịch biển, cũng là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi với các lợi thế tự nhiên đa dạng và phong phú cho phát triển các “chuỗi đô thị đảo” - nền tảng cho một ngành kinh tế đảo trong tương lai gần.
Nhiều cụm đảo ở nước ta có thể xây dựng, phát triển thành các trung tâm kinh tế biển - đảo và dịch vụ hậu cần cho các hoạt động biển xa nói chung và cho các hoạt động khai thác biển, cũng như hoạt động du lịch biển, đảo nói riêng. Các cụm đảo và khu vực ven biển nước ta kết hợp tạo ra những khu vực có lợi thế địa lý rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và bảo vệ an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta.
Các khu kinh tế đảo sẽ đóng vai trò như những cực phát triển trong không gian kinh tế biển và có thể tạo ra tác động lan toả đến các vùng biển xung quanh. Đồng thời, đây cũng đóng vai trò là các “điểm kết nối” quan trọng giữa dải ven biển và các vùng biển phía ngoài. Trong số hơn 3.000 đảo, chỉ có khoảng 70 đảo có cư dân sinh sống, phần lớn còn lại là các đảo nhỏ, hoang sơ. Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, xung quanh các đảo, đặc biệt là các đảo nhỏ còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển du lịch biển - đảo và nghề cá nói chung, nghề cá giải trí nói riêng. Trên nhiều đảo cũng có các làng cá, di tích văn hoá, và lịch sử thuần Việt, góp phần hình thành các giá trí du lịch nghề cá và “văn hoá biển - đảo thuần Việt” mà đến nay chưa được khai thác và phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Với tiềm năng như vậy, ngoài kinh tế đảo, Việt Nam có thể phát triển du lịch biển, đảo với các hình thức chủ yếu, gồm tham quan các di sản thế giới ở vùng ven biển; tham quan các di tích lịch sử văn hoá, tham quan cảnh quan biển, nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ven biển và các khu dự trữ sinh quyển. Các khu vực tiềm năng và ưu tiên cho phát triển du lịch biển ở nước ta là: vùng ven biển Bắc Bộ (tập trung là Hạ Long – Cát Bà - Đồ Sơn), vùng ven biển Bắc Trung Bộ (tập trung là Huế - Đà Nẵng và khu vực phụ cận), vùng ven biển Nam Trung Bộ (tập trung là Vân Phong – Nha Trang – Ninh Chữ), vùng ven biển - đảo Đông Nam Bộ (tập trung là TP.Hồ Chí Minh – Côn Đảo – Vũng Tàu – Long Hải), và vùng ven biển - đảo Tây Nam Bộ (tập trung là Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc).
Tiềm năng phát triển ngành dầu khí
Dầu khí bao gồm dầu thô, khí tự nhiên và hydrocarbon ở thể khí, lỏng, rắn hoặc nửa rắn trong trạng thái tự nhiên, kể cả khí than, sulphur và các chất tương tự khác kèm theo hydrocarbon nhưng không bao gồm than, đá phiến sét, bitum hoặc các khoáng sản khác có thể chiết xuất được dầu.
Nước ta có vùng thềm lục địa tự nhiên (phần kéo dài của lục địa ra biển) rộng lớn. Phần chân lục địa cũng trải rộng cùng với hai nền vi lục địa cổ ở khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhiều cấu trúc địa chất - kiến tạo ở các khu vực này cũng cấp tiền đề tìm kiếm và đánh giá triển vọng dầu khí.
Nguồn dầu khí đã thăm dò và khảo sát của Việt Nam có trữ lượng tiềm năng khoảng 4 – 8 tỷ m3 dầu quy đổi và gần đây mở rộng tìm kiếm đã phát hiện một số mỏ mới cho phép gia tăng trữ lượng dầu khí của nước ta. Dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam được chia ra thành 170 lô và cũng còn có những vùng chồng lấn với các nước láng giềng. Đến nay, các mỏ dầu khí ở nước ta được khai thác chủ yếu từ lòng đất dưới đáy biển khu vực thềm lụa địa phía Nam, nơi có độ sâu từ 50 – 200 m nước.
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng về năng lượng, thiếu hụt ngân sách trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Đặc biệt, việc hình thành các khu công nghiệp dầu khí ven biển quan trọng và các công trình dầu khí trên thềm lục địa đã góp phần bảo đảm chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.
Ngành dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao được phát triển với các công trình khai thác dầu khí biển đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, chế tạo giàn khoan tự nâng hiện đại 90 - 120 m nước, giàn công nghệ khai thác dầu khí ở khu vực nước sâu, xa bờ, là các cột mốc quan trọng khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Tính đến cuối năm 2020, tổng sản lượng khai thác của Việt Nam đạt trên 424 triệu tấn dầu và condensate, trên 160 tỷ m3 khí, có thời điểm đóng góp gần 30% cho ngân sách Nhà nước và 22 - 25% cho GDP.
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo biển nước ta
Nguồn năng lượng tái tạo trên biển Việt Nam rất đa dạng (năng lượng mặt trời, gió, sóng, thuỷ triều, nhiệt, sinh học…) và được xem là yếu tố tiềm năng cho phát triển kinh tế biển xanh trong tương lai gần. Trong những năm qua, các nguồn năng lượng gió, mặt trời trên đất liền và ven biển đã được đầu tư nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu các trạm phát điện tổng hợp gồm điện mặt trời và điện gió đã được áp dụng ở các đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm…
Đối với năng lượng gió, Việt Nam có vị trí địa lý tương đối thuận lợi để phát triển điện gió. Các số liệu điều tra ban đầu cho thấy Việt Nam có khoảng 17.400 ha được đánh giá là thích hợp cho các dự án, công trình phát triển năng lượng gió. Đánh giá của Viện nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục biển và hải đảo) cho thấy, vùng ven biển nước ta, đặc biệt vùng ven bờ đồng bằng sông Cửu Long có diện tích rộng khoảng 112.000 km2, khu vực có độ sâu từ 30m đến 60m có diện tích rộng khoảng 142.000 km2 có tiềm năng phát triển điện gió biển rất tốt. Tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 80m trên biển với tốc độ gió 8 m/s là 1,3 nghìn GW. Đặc biệt, khu vực biển có độ dâu 0 – 30 m từ Bình Thuận đến Cà Mau (rộng khoảng 44.000 km2) có tốc độ gió trung bình ở độ cao 100m đạt từ 7 đến 10 m/s, đáp ứng yêu cầu cho phát triển điện gió trên biển. Các thử nghiệm thực tế cho thấy các turbine gió tại đảo Phú Quý và Bạc Liêu đã hoạt động tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gần đây, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng 475.000 MW điện gió ngoài khơi ở vùng biển có độ sâu nhỏ hơn 200 m.
Đối với năng lượng mặt trời, trên Biển Đông, tiềm năng bức xạ mặt trời có xu hướng tăng dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Trên vùng biển gần bờ của Việt Nam, cường độ bức xạ mặt trời phân bố thành 2 vùng rõ rệt: phần Bắc vĩ tuyến 15 độ N chủ yếu dưới 5.000 Wh/m2/ngày, ven biển Bắc Bộ xuống dưới 4.000 Wh/m2/ngày, riêng ven biển Đông Bắc dưới 3.500 Wh/m2/ngày; phần Nam vĩ tuyến 15 độ N có cường độ bức xạ tăng rõ rệt. Trên khu vực ven biển Đông Nam Bộ, cường độ bức xạ đạt trên 5.000 Wh/m2/ngày.
Đối với năng lượng sóng, các kết quả tính toán hiện nay đều cho thấy tiềm năng năng lượng sóng vùng ven bờ biển nước ta tương đối lớn, phụ thuộc trực tiếp vào hai mùa gió đông bắc và gió tây nam. Ở các vùng thoáng, có đà sóng lớn theo hướng đông bắc, tây nam và nam đều nhận được dòng năng lượng sóng khá lớn. Theo đó, có thể phân vùng tiềm năng năng lượng sóng dọc dải ven biển Việt Nam thành 6 vùng với các đặt trưng năng lượng sóng khác nhau.
Cụ thể, vùng 1 từ Quảng Ninh – Ninh Bình với năng lượng sóng chiếm ưu thế vào các tháng 6, 7 và 8, có mật độ năng lượng sóng ven bờ khá đều quanh năm, đạt 3 – 5 kW/m trở lên, trung bình năm của vùng này thuộc cấp độ thấp, đạt khoảng 3,2 kW/m. Vùng 2 từ Thanh Hoá – Hà Tĩnh có dòng năng lượng sóng ven bờ trung bình năm đạt giá trị lớn nhất từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau, mật độ năng lượng sóng ven bờ thuộc cấp độ trung bình của khu vực, đạt khoảng 4,1 kW/m. Vùng 3 từ Quảng Bình - Quảng Nam có dòng năng lượng sóng khá nhỏ quanh năm nhưng mật độ năng lượng sóng của vùng này thuộc cấp độ cao, đạt khoảng 6,5 kW/m.
Vùng 4 từ Quảng Ngãi – Ninh Thuận có dòng năng lượng sóng mạnh nhất trên toàn dải ven bờ Việt Nam vì là vùng tiếp xúc trực tiếp với biển thoáng và có đà sóng gần như không bị giới hạn trong cả hai mùa gió thịnh hành. Mật độ năng lượng sóng trung bình năm của vùng này thuộc loại rất cao, lên tới khoảng 8,5 kW/m. Vùng 5 từ Bình Thuận - Bạc Liêu có dòng năng lượng sóng không lớn, mật độ năng lượng sóng trung bình năm chỉ ở mức trung bình như Vùng 2, đạt khoảng 4,8 kW/m. Vùng 6 từ Cà Mau – Kiên Giang có dòng năng lượng sóng yếu nhất trong toàn dải ven biển Việt Nam, mật độ năng lượng sóng trung bình năm của vùng nay tương đương Vùng 1, đạt khoảng 3,3 kW/m.
Đáng lưu ý, khu vực quần đảo Trường Sa có thể tận dụng khai thác nguồn năng lượng sóng trong mùa gió mùa Tây Nam với độ lớn cực đại đạt khoảng 10 kW/m.