Hội nghị nhằm đánh giá qua 5 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP. Đề xuất những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển cụm công nghiệp thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đến dự và chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị, còn có sự hiện diện Lãnh đạo đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Công an và đại biểu của trên 30 địa phương trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/ND – CP, 2 năm thực hiện Nghị định số 6/2020/NĐ – CP, 2 Nghị định trên đã tạo hành lang pháp lý quản lý, phát triển cụm công nghiệp thống nhất từ quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đến đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong cụm công nghiệp; Thiết lập quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ đối với phát triển cụm công nghiệpN; kịp thời quy định, hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cụm công nghiệp theo pháp luật quy hoạch.
Bên cạnh một số thuận lợi, còn có một số khó khăn, tồn tại như; Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPP) thuộc một số lĩnh vực (đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng) liên quan đến nội dung cụm công nghiệp còn thiếu nhịp nhàng, đồng bộ, kịp thời, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiêp tại các địa phương còn nhiều bất cập…
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển cụm công nghiệp, nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển phù hợp trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị, mạnh dạn, thẳng thắn đóng góp ý kiến trao đổi, thảo luận, đánh giá về những kết quả đã đạt được trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Đặc biệt, chỉ ra được những khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn thiện Báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu, đại diện các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp đều nhìn nhận: Nghị định số 68/2017và Nghị định số 66/2020 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý quản lý, phát triển cụm công nghiệp thống nhất từ quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đến đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong cụm công nghiệp.
Nghị định cũng đã quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ đối với phát triển cụm công nghiệp. Cũng như kịp thời quy định, hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cụm công nghiệp theo pháp luật quy hoạch, việc lựa chọn doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp…
Đơn cử như đại diện cho tỉnh Bình Dương nhận định, trong thời gian qua, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sau khi được ban hành đã tạo lập cơ sở, hành lang pháp lý cho việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Việc lập, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định.
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được thẩm định, góp ý bài bản, chặt chẽ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở Công Thương được quy định rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ.
Nhìn chung, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp được quy định Nghị định số 68/2017/NĐ-CP được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn, rõ ràng nên đã tạo sức hút. Do đó, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, còn có một số bất cập như: Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP là các Nghị định chuyên ngành quản lý nhà nước về cụm công nghiệp. Nhưng hiện nay tại Việt Nam chưa có Luật chuyên ngành về cụm công nghiệp, do đó việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt là Luật Đầu tư), và các vấn đề khác liên quan đến việc đất đai.
Cụ thể như: Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 và khoản 2 Điều 33 Nghị định số 31/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020 thì dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, do đó phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Tuy nhiên tại điểm a, khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp quy định: “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp… không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư” và khoản 1, Điều 6 Thông tư 28/2020/TT-BCT ngày 16/11/2020 của Bộ Công Thương quy định: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017.
Một vấn đề liên quan đến đất đai tại Bình Dương, hiện tại quỹ đất dành cho phát triển khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bình Dương không còn nhiều. Diện tích đất cho phát triển các cụm công nghiệp trong thời gian tới chủ yếu ở các địa bàn phía Bắc của Tỉnh (Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo) có hiện trạng là đất trồng cây cao su có liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được cổ phần hóa, do đó việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các Công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phải có ý kiến của các bộ, ngành.
Xác định đây là nhiệm vụ mới và nguồn lực của địa phương có hạn, do đó UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết để đi đến thống nhất cách triển khai thực hiện nội dung của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo theo quy định và thống nhất cách thực hiện trên phạm vi cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trương Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 68/2017, Nghị định số 66/2020 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc như: Quy định của pháp luật về đầu tư và về quản lý cụm công nghiệp chưa thống nhất trong việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dẫn đến việc lúng túng trong công tác triển khai, thực hiện.
Cụ thể, nếu áp dụng theo Nghị định số 66, việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được thực hiện trong giai đoạn thành lập cụm công nghiệp và bằng phương pháp chấm điểm do Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư quyết định.
Trong khí áp dụng theo Luật Đầu tư, việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được thực hiện thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 25/2020 của Chính phủ và không phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).
Ngoài ra, tiến độ đầu đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài, trung bình tổng thời gian để hoàn tất hồ sơ khoảng 2-3 năm. Do đó, nhiều cụm phải mất nhiều thời gian hơn do gặp khó khăn về vấn đề đất đai (trong trường hợp vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Sau khi hoàn tất thủ tục, chủ đầu tư mới thực hiện khởi công xây dựng mất thêm khoảng từ 1-2 năm, mới được tiếp nhận dự án sản xuất kinh doanh vào đầu tư. Tuy nhiên, Nghị định số 68/2017 và Nghị định số 66/2020 không có quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết về việc điều chỉnh tiến độ dự án cụm công nghiệp công nghiệp đối với chủ đầu tư chậm tiến độ thực hiện dự án đã đăng ký theo Quyết định thành lập cụm công nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, nhận định Nghị định 68, Nghị định 66 đã góp phần thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, giúp công tác quản lý bài bản và hiệu quả hơn. Từ đó, tạo động lực cho phát triển ngành công nghiệp nói chung và tiểu thủ công nghiệp nói riêng. Song trong quá trình thực thi, có một số nội dung phát sinh từ sự chồng chéo giữa các băn bản quy phạm pháp luật, thực tiễn và những tồn tại từ lịch sử, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung 2 nghị định trên.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cam kết sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017 và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020, để trình lên Thủ tướng Chính phủ một cách toàn diện nhất, đầy đủ nhất”
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thông tin một số điểm cơ bản về công tác quy hoạch, thực thi, chọn chủ đầu tư, vấn đề ưu đại đầu tư, chuyển đổi công tư… trong định hướng sửa đổi Nghị định Nghị định 68 và 66. Theo đó, về công tác quy hoạch sẽ cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính hoặc thực hiện một cửa liên thông để giải quyết.
Liên quan đến chọn chủ đầu tư, trong nghị định mới sẽ tích hợp toàn bộ các quy trình các thủ tục làm sao một quy trình và thủ tục. Đối với vấn đề ưu đãi, hỗ trợ, sẽ cụ thể hóa luôn trong Nghị định mới. Không nói chung chung, trách sự hiểu sai hiểu nhầm của các cơ quan khác nhau...
Nghị định mới thay thế Nghị định 66 và Nghị đinh 68 hướng tới phát triển cụm công nghiệp bài bản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cùng với đó tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao.
Tại phần kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm: Dự kiến kế hoạch xây dựng Nghị định mới về cụm công nghiệp thay thế Nghị định 68/2017, 66/2020 được Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng tháng 6/2023, có thể thông qua trong năm 2023.