Để thực hiện được mục tiêu trên Sở Công Thương Hòa Bình đã tích cực chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển cụm CCN trên địa bàn. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh có Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Ngày 01/11/2021, Tỉnh ủy Hòa Bình hành Đề án số 07-ĐA/TU về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Tiếp theo, tỉnh Hòa Bình đã có Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 28/02/2022 của Ban chỉ đạo đề án thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xây dựng quy chế quản lý cụm công nghiệp, kiện toàn Hội Đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Theo đó, Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN Quy định nguyên tắc, phương thức làm việc của Hội Đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; tiêu chí và mức điểm đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.
Những quy định, chính sách trên đã tạo ra hành lang pháp lý thống nhất quản lý cụm công nghiệp từ Trung ương đến địa phương, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng quy định Nhà nước trong phát triển cụm công nghiệp; tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong các CCN.
Theo Sở Công Thương Hòa Bình, quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2669/QĐ-UBND ngày 09/12/2015 tỉnh Hòa Bình quy hoạch 21 CCN với tổng diện tích 663,4 ha. Trong quá trình thực hiện quy hoạch có sự điều chỉnh cụ thể: Mở rộng quy hoạch 01 CCN; Rút ra khỏi quy hoạch 04 CCN; Bổ sung vào quy hoạch 04 CCN. Đến nay, Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình quy hoạch 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất là 866,605 ha.
Việc triển khai xây dựng các CCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đáp ứng được yêu cầu phát triển, tạo ra môi trường về mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài địa phương, góp phần làm tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện CNH-HĐH công nghiệp nông thôn. Phát triển các CCN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tề của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong GRDP của các ngành công nghiệp và dịch vụ, có tác động lan tỏa tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác phát triển và quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp một số khó khăn vướng mắc.
Cụ thể, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc, diện tích đất CCN đã được giải phóng mặt bằng mới chiếm 24,28%.
Thời gian để nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục như đất đai, xây dựng, môi trường… sau khi được UBND tỉnh quyết định giao chủ đầu tư để tiến hành xây dựng kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp.
Hầu hết các CCN không có quy hoạch khu tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, không có quy hoạch hạ tầng xã hội như: Dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân, lao động trong các CCN.
Để đẩy nhanh công tác phát triển CCN trong thời gian tới, Sở Công Thương Hòa Bình đưa ra một số giải pháp.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Tăng cường công tác rà soát các quy định của pháp luật về đất đai; chính sách đất đai; chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng; giá thuê đất… để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn chỉ đạo của địa phương về đất đai cho các tổ chức cá nhân tìm hiểu đầu tư trên địa bàn; Nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách, giải pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại các CCN;...
Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước; thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển và thu hút đầu tư; bố trí quỹ đất xây dựng khu tái định cư, khu nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân trong các cụm công nghiệp; tăng cường quy chế phối hợp quản lý nhà nước; quản lý chặt chẽ quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố với các cơ quan liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết các vấn đề tồn tại phát sinh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất trong các cụm công nghiệp.
Nâng cao năng lực và đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ động, trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn; tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, hiệu quả đầu tư.