Rộng đường đưa nhãn Lồng xuất ngoại
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện diện tích trồng nhãn của Hưng Yên đạt khoảng 3.000 ha trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 2.700 ha (trồng quy mô khoảng 2.000 ha, chủ yếu là chuyển đổi từ trồng lúa và rau màu hiệu quả thấp) tập trung nhiều tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên, trong đó huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên có diện tích lớn nhất. Cụ thể, diện tích của Khoái Châu là hơn 1.500 ha. Bộ giống nhãn Hưng Yên gồm 2 nhóm chính, trong đó nhóm nhãn có chất lượng cao nhất là nhãn Lồng (Hương Chi, nhãn cùi, nhãn đường phèn, nhãn Khoái Châu, nhãn Miền Thiết) chiếm khoảng 90% tổng sản lượng cả vùng, được trồng ở những vùng thâm canh cao.
Nhãn Lồng Hưng Yên, có thời gian
thu hoạch khoảng từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9, theo giai đoạn từ
15/7-30/7; 5-25/8; 30/8-20/9. Đây là một loại trái cây mang lại lợi ích kinh tế
cao cho các hộ sản xuất (nhất là tại những vùng quy mô lớn), với giá cả ổn định
và có xu hướng tăng dần theo các năm mà không chịu ảnh hưởng bởi xu hướng "được
mùa mất giá" như rất nhiều nông sản khác.
Xác định đây là một trong những đặc sản quý, cây trồng chiến lược của địa phương, Hưng Yên đã giành nhiều sự quan tâm phát triển nông sản này. Cụ thể để mở rộng đầu ra cho trái nhãn Lồng, hướng tới các thị trường nước ngoài, từ năm 2009 đến nay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Hưng Yên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên đã tích cực triển khai sản xuất nhãn theo mô hình Viet GAP. Đến nay, đã thực hiện được 18 mô hình, tổng diện tích 155 ha, với sự tham gia trên 1.000 hộ trồng nhãn. Song song với đó là các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mẫu mã bao bì nhãn mác (cho Nhãn Lồng Hồng Nam - thành phố Hưng Yên); Hỗ trợ thành lập 3 hợp tác xã dịch vụ, tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hàng năm.
Áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đã giúp các hộ sản xuất gia tăng giá trị cho sản phẩm nhãn Lồng Hưng YênNăm 2013, Tỉnh đã tổ chức bình tuyển và công nhận được 21 cây nhãn đầu dòng, trong đó có 02 cây PHT99-1.1 và PHM99-1.1 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNN công nhận là giống quốc gia, 13 cây đạt tiêu chuẩn dùng để nhân giống, đây là nguồn giống tốt để đáp ứng nhu cầu trồng mới, cũng như cải tạo giống nhãn trong vườn cho các hộ sản xuất trong và ngoài Tỉnh. Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai dự án bảo tồn giống nhãn và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh Hưng Yên, đồng thời tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất VietGAP cho khoảng trên 1.000 lượt nông dân trồng nhãn mỗi năm ở ngoài vùng dự án. Đáng mừng là sản phẩm nhãn được sản xuất theo hướng VietGAP tiêu thụ dễ, bán được giá cao hơn từ 10-20% so với đại trà, được ưu tiên lựa chọn đưa vào hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn, thị trường đòi hỏi cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoạt động này không chỉ làm thay đổi, nâng cao nhận thức về sản xuất an toàn cho nông dân các vùng trồng nhãn Lồng trọng điểm của Hưng Yên, mà còn là việc làm cần thiết để nâng tầm, đưa trái nhãn đi xa hơn, hướng tới xuất khẩu.
Cần tăng cường công tác quảng bá, nhận diện, xúc tiến thương mại ngay tại thị trường nội địa
Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại Tiêu thụ nhãn Lồng Hưng Yên (ngày 7/8 vừa qua), đại diện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết, sau khi nắm được thông tin về việc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhập khẩu nhãn quả của Việt Nam (tháng 10 năm 2014), Tỉnh đã sớm chỉ đạo các ngành liên quan của địa phương trồng nhãn có tiềm năng, chuẩn bị các điều kiện, tiếp cận với thị trường này. Đến tháng 3/2015, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với chuyên gia của Mỹ kiểm tra, đánh giá vùng sản xuất, sau đó đã chính thức cấp 02 mã số cho vùng sản xuất nhãn xuất khẩu của Hưng Yên, gồm xã Nam Hồng - thành phố Hưng Yên (diện tích 9,97 ha) và xã Hàm Tử - huyện Khoái Châu (diện tích 10,82 ha). Hiện 2 mô hình sản xuất nhãn Lồng theo tiêu chuẩn của Mỹ sinh trưởng và phát triển tốt, quả to đồng đều và đang ở thời kỳ bao quả. Dự kiến sẽ thu hoạch tập trung từ khoảng giữa tháng 8 đến cuối tháng 9, ước tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đạt khoảng hơn 200 tấn. Đây là một thông tin đáng mừng cho các hộ sản xuất với hy vọng gia tăng giá trị, đưa nhãn Lồng Hưng Yên vươn ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho thấy, để nhãn Lồng xuất ngoại thành công là việc không phải dễ dàng bởi đặc thù của loại quả này là rất khó để có được sự đồng đều về hình dáng và chất lượng (một trong những điều kiện xuất khẩu). Ngoài ra, theo đại diện Công ty CP Nhất Nam, với chuỗi siêu thị Fivi Mart Hà Nội (đơn vị sớm đưa sản phẩm nhãn Lồng vào kênh phân phối), thì quả nhãn cơ bản chỉ có thể bán trong ngày, hôm sau là đã phải giảm giá. Thực tế này cho thấy đây cũng là vấn đề đặt ra cho các nhà xuất khẩu nhãn Lồng trong khâu vận chuyển và bảo quản.
Tại Hà Nội, thị trường
tiêu thụ sôi động, không dễ tìm mua được nhãn Lồng Hưng Yên (ngoài một vài siêu
thị), nhiều người tiêu dùng thường phải mua nhãn Lồng ( do người bán nói) trôi nổi
không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu nhãn Lồng. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề cần tăng cường hơn nữa công tác quảng bá, xúc
tiến thương mại, nhất là các hoạt động nhận diện thương hiệu (đã đem lại thành công
cho quả vải)… cho nhãn Lồng tại Hà Nội
nói riêng và thị trường nội địa, miền Bắc (nơi nhãn Lồng rất được ưa thích) nói
chung. Đây là việc mà Hưng Yên cần quan tâm, lưu ý trong việc định hướng thị
trường mục tiêu cho nhãn Lồng.