Lãi quý 3 giảm 56% khi doanh thu chưa đủ điều kiện hạch toán
Kết thúc quý 3/2023, Tổng công ty IDICO - CTCP (mã cổ phiếu IDC - sàn HNX) ghi nhận doanh thu thuần 1.443 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm 17%, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này giảm gần 50%, còn 405 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của Tổng công ty IDICO cũng giảm gần 50%, còn 29 tỷ đồng.
Đối với các khoản chi phí trong kỳ, chi phí tài chính đã tăng 37%, chi phí bán hàng tăng 8,4%, và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 2,5%. Bên cạnh đó, Tổng công ty IDICO ghi nhận lỗ ròng khác 45 tỷ đồng trong quý 3/2023, so với mức lợi nhuận khác là hơn 20 tỷ đồng trong quý 3/2022.
Kết quả, Tổng công ty IDICO báo lợi nhuận sau thuế hơn 194 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm hơn 68% so với quý 3/2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu thuần 4.997 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.032 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và giảm 56% so với cùng kỳ năm trước.
Ban lãnh đạo Tổng công ty IDICO cho biết, kết quả lợi nhuận sụt giảm mạnh chủ yếu do các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp chưa đến thời điểm đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định tại Mục 1.6.12, Điều 79, Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán DSC Securities, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty IDICO, đặc biệt là mảng khu công nghiệp, đã bị ảnh hưởng ít nhiều trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đồng thời, hiệu ứng từ thay đổi cách hạch toán doanh thu như năm 2022 đã không còn khiến riêng doanh thu mảng khu công nghiệp suy giảm khá mạnh, chỉ đạt 2.229 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022, ảnh hưởng lớn đến doanh thu và biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, các mảng điện và mảng thu phí BOT vẫn đang hoạt động ổn định, góp phần giúp kết quả kinh doanh của Tổng công ty IDICO không “rơi quá sâu” trong 9 tháng đầu năm nay.
Âm thầm mở rộng các mảng kinh doanh
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Tổng công ty IDICO đạt 16.898 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm nay.
Đáng chú ý, các khoản phải thu dài hạn đã giảm 46%, chỉ còn 707 tỷ đồng, nhờ việc thu hồi tiền từ loạt đối tác và chuyển một phần thành tiền góp vốn vào dự án Nhà xưởng dịch vụ IDICO - Tân Tạo. Liên quan đến dự án Nhà xưởng dịch vụ IDICO - Tân Tạo có vốn đầu tư dự kiến là 2.000 tỷ đồng, hồi tháng 11/2022, HĐQT Tổng công ty IDICO đã thông qua chủ trương góp 1.000 tỷ đồng để hợp tác đầu tư dự án này (tương ứng tỷ lệ 50% vốn dự án).
Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn khác đã tăng 441%, lên 795 tỷ đồng. Trong đó, 325 tỷ đồng được Tổng công ty IDICO uỷ thác cho 02 cá nhân thực hiện việc đầu tư vào các công ty thuỷ điện, bất động sản khu công nghiệp và xây dựng theo hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần/phần góp vốn của các doanh nghiệp này.
Hơn 300 tỷ đồng còn lại được Tổng công ty IDICO dùng đặt cọc chuyển nhượng cho 01 dự án tại TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh.
Như vậy, Tổng công ty IDICO vừa thu hồi được các khoản nợ tồn đọng, đồng thời đầu tư mở rộng thêm các dự án mới, dựa trên dòng tiền sinh ra từ các mảng kinh doanh trong thời gian qua.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Tổng công ty IDICO vào cuối tháng 9/2023 đạt 11.287 tỷ đồng, tăng 3,7% so với thời điểm đầu năm nay, chủ yếu do các khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn và cổ tức phải trả tăng lên. Nợ phải trả hiện chiếm gần 67% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty IDICO kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang tăng lên tích cực. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu diện tích đất thương phẩm sẵn sàng kinh doanh lên tới 711,2 ha (tính tới đầu năm 2023). Với quỹ đất sạch lớn và chi phí vốn thấp, IDC đang có lợi thế lớn so với các doanh nghiệp khác trong ngành.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 3/11, thị giá cổ phiếu IDC đạt 44.900 đồng đồng/cổ phiếu, tăng gần 55% so với đầu năm nay.