Tổng Công ty Viglacera (VGC): Đã hoàn thành 75% mục tiêu lợi nhuận năm nay

Tổng Công ty Viglacera - CTCP vừa cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay đạt 913 tỷ đồng, hoàn thành 75% lợi nhuận cả năm nay. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của riêng Công ty mẹ đạt khoảng 1.210 tỷ đồng, hoàn thành 92% mục tiêu cả năm.
Khu công nghiệp Tổng Công ty Viglacera
Mảng khu công nghiệp được xem là mảng mũi nhọn nhằm giúp Tổng Công ty Viglacera duy trì đà tăng doanh thu và lợi nhuận khi mảng vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Ban lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera (mã cổ phiếu: VGC – sàn: HoSE) cho biết, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần hợp nhất toàn Tổng Công ty ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ đạt gần 3.000 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế toàn Tổng Công ty ước đạt 913 tỷ đồng, hoàn thành 75% lợi nhuận cả năm 2023. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ đã đạt khoảng 1.210 tỷ đồng, hoàn thành 92% mục tiêu cả năm.

Lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp, là mảng kinh doanh chủ chốt đóng góp vào kết quả doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay của Tổng Công ty Viglacera. Cụ thể, doanh thu khối bất động sản ước đạt hơn 2.600 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 950 tỷ đồng, hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Ngoài ra, Tổng Công ty Viglacera còn ghi nhận lợi nhuận khác từ việc nhận 310 tỷ đồng cổ tức thu từ công ty liên kết.

Với 12 khu bất động sản công nghiệp đang sở hữu và vận hành, ban lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera khẳng định sẽ giữ vị thế vững chắc trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Hiện các khu công nghiệp của Tổng Công ty đang thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 16 tỷ USD vốn FDI.  

Từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty Viglacera thực hiện chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào mảng bất động sản khu công nghiệp với việc liên tục khảo sát, lập dự án đầu tư và triển khai đầu tư các khu công nghiệp mới tại các địa phương có vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh. Dự kiến đến năm 2025, Tổng Công ty sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 20 với trên 10 khu công nghiệp mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-3.000 ha.

Hiện tại, quỹ đất sẵn sàng cho thuê của Tổng Công ty Viglacera tính tới cuối năm 2022 đạt hơn 823 ha, trong đó tại Khu công nghiệp Yên Phong và Thuận Thành có diện tích sẵn sàng cho thuê hơn 265 ha. Đây cũng là khu vực có giá thuê cao của Tổng Công ty với mức giá 125-150 USD/m2.

Xem thêm bài viết "Nguồn cung đất khu công nghiệp khan hiếm, doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Mảng khu công nghiệp được xem là mảng mũi nhọn nhằm giúp Tổng Công ty Viglacera duy trì đà tăng doanh thu và lợi nhuận bù đắp cho sự thiếu hụt từ mảng vật liệu xây dựng do tác động chững lại của ngành bất động sản trong thời gian vừa qua.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7, giá cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera đạt 43.650 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu VGC đã tăng khoảng 24%.

Đối với mảng sản xuất vật liệu xây dựng, Tổng Công ty Viglacera cho biết sẽ tập trung vào nâng cấp máy móc, dây chuyền hiện đại để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng Xanh, thân thiện môi trường như Kính Tiết kiệm năng lượng, Gạch bê tông khí…

Cụ thể, Tổng Công ty Viglacera dự kiến sẽ xây dựng giai đoạn 2 nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ nhằm nâng công suất lên 1.500 tấn/ ngày, so với mức 600 tấn/ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu khi ngành bật động sản nhộn nhịp trở lại. Đặc biệt, Tổng Công ty đang định hướng trở thành đơn vị hàng đầu trong nước về việc cung cấp phôi kính dung trong sản xuất pin năng lượng mặt trời.

Đối với sản phẩm gạch ốp lát, sau khi mua lại Nhà máy gạch men Bạch Mã vào cuối năm 2021, Tổng Công ty Viglacera đã cải tạo, đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất, giúp Tổng công ty tiếp tục giữ vị thế đầu ngành như hiện nay.

Duy Quang