Tổng cục QLTT ra công văn hỏa tốc, siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19

Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp đột xuất với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nhanh chóng phát đi công văn hỏa tốc đến cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc về việc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong Công văn Tổng cục nêu rõ, ngày 28/1/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Bắc, chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.

Song song đó, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng yêu cầu Cục QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas,..., thì báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Đặc biệt, Tổng cục QLTT đề nghị, Cục QLTT các tỉnh, thành phố quán triệt, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch tới từng đơn vị, công chức trực thuộc, bảo đảm công tác ứng trực thường xuyên trong thời gian diễn ra dịch bệnh (kể cả ngày nghỉ, lễ tết, ngoài giờ hành chính) để kịp thời cập nhật, báo cáo diễn biến, tình hình và xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn; tiếp tục duy trì Tổ thường trực  phòng chống dịch do 01 lãnh đạo Cục làm Tổ trưởng là đầu mối liên lạc để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và báo cáo công tác phòng chống dịch.

Các đơn vị QLTT trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện phòng chống dịch để phục vụ cho công chức, người lao động bảo đảm an toàn trong quá trình thi hành nhiệm vụ.

Riêng về xử lý tang vật tịch thu là khẩu trang y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các địa phương thực hiện theo công văn số 3913/BTC-QLCS ngày 03/4/2020 của Bộ Tài chính và công văn số 162/TCQLTT-THKHTC ngày 03/02/2020 của Tổng cục QLTT về việc hướng dẫn xử lý hàng hóa trong thời gian phòng chống dịch nCov.

Về kinh phí phòng chống dịch Covid-19: Thực hiện theo văn bản số 232/TCQLTT-THKHTC ngày 11/02/2020 của Tổng cục QLTT (kinh phí của năm 2021).

Cuối cùng, Tổng cục QLTT đề nghị các đơn vị báo cáo nhanh về Tổng cục QLTT trước 16 giờ hàng ngày qua DMS và địa chỉ email [email protected] để tổng hợp. Các trường hợp phát sinh vấn đề cấp thiết phải báo cáo ngay về Tổng cục QLTT để kịp thời chỉ đạo giải quyết.

An Hạ