Để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng thương mại ở Thái Bình cần phải có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư

Thái Bình là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng châu thổ Sông Hồng, diện tích 1.524 km2. Dân số trên 1,8 triệu người, trong đó trên 90% sống ở nông thôn, mật độ dân số 1.200 người /km2. Cơ cấu kinh tế năm

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng (KCHT) thương mại Thái Bình từ năm 2000 trở về trước trong tình trạng manh mún, chậm phát triển, quy mô nhỏ lẻ, các cơ sở dịch vụ trong tình trạng xuống cấp, các dịch vụ văn minh hiện đại hầu như chưa có. Do hệ quả của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kéo dài, mặt khác do Thái Bình hạn chế về lợi thế vị trí địa kinh tế; các doanh nghiệp ở Thái Bình chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn hạn hẹp; thị trường Thái Bình có nhiều hạn chế, sức tiêu thụ thấp, kém lợi thế cạnh tranh so với thị trường trong khu vực, nhất là so với thị trường Hà Nội và Hải Phòng .
Trong điều kiện có nhiều khó khăn nêu trên, tỉnh Thái Bình đã xác định: để phát triển KCHT thương mại cần có những định hướng, cơ chế quy định cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương để có thể thu hút vốn đầu tư xây dựng KCHT, nhằm từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành thương mại, đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội, lưu thông hàng hoá, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại.
Sở Công thương Thái Bình đã tích cực xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy hoạch: mạng lưới phát triển chợ; mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại; xây dựng dự án phát triển KCHT thương mại để kêu gọi thu hút đầu tư…
UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 01/2008/QĐ-UBND, Quy định “Ban hành quy định một số chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển KCHT thương mại Thái Bình giai đoạn 2008-2015”, với các nội dung chủ yếu sau:
- Phạm vi và đối tượng áp dụng đối với đối với mọi tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước bỏ vốn vào đầu tư các dự án xây dựng chợ, trung tâm thương mại và siêu thị
- Điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư: nhà đầu tư có năng lực tài chính; Dự án đầu tư xây dựng chợ phải đảm bảo tiêu chí quy định tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ; dự án xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại đảm bảo tiêu chí quy định tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM về việc ban hành Quy chế siêu thị, Trung tâm thương mại.
- Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, chợ loại I được thuê đất không quá 50 năm, các loại hình còn lại không quá 30 năm; được ưu đãi, khuyến khích về thuế ở mức cao nhất theo quy định cuả các văn bản pháp luật về thuế; được tỉnh đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước đến chân hàng rào dự án; được hỗ trợ 100% tiền giải phóng mặt bằng (trừ dần vào tiền thuê đất); được hỗ trợ 50% tiền san lấp mặt bằng...
- Khuyến khích đầu tư xây dựng chợ theo hình thức BOT, ngoài những ưu đãi trên, ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 năm lãi suất sau đầu tư phần vốn vay ngân hàng xây dựng hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, kho thu mua nông sản thực phẩm trong chợ.
- Nhà đầu tư được thuê đất xây dựng KCHT thương mại và được cho thuê KCHT thương mại để kinh doanh dịch vụ; thời gian cho thuê không được quá thời hạn được thuê đất. Người thuê KCHT thương mại chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh thương mại, nghiêm cấm sang nhượng dự án xây dựng KCHT thương mại...
Từ năm 2000 trở lại đây, đầu tư phát triển KCHT thương mại Thái Bình đã có những chuyển biến tích cực, đến nay đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong đó có 20 dự án đã đầu tư xây dựng và đang được nghiên cứu lập dự án đầu tư với quy mô khá. Vốn đăng ký đầu tư trên 220 tỷ đồng; thực hiện đầu tư 125,5 tỷ đồng, cụ thể như sau:
+ Về thu hút đầu tư xây dựng chợ: mhiều chợ được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, điển hình là chợ đầu mối tiêu thụ hải sản ở Đông Minh – Tiền Hải, chợ đầu mối tiêu thụ nông sản ở Khánh Mỹ – Hưng Hà được đầu tư xây mới bằng ngân sách trung ương, địa phương và doanh nghiệp; 5 chợ ở thành phố Thái Bình và các huyện Vũ Thư, Quỳnh Phụ và Đông Hưng... đã được đầu tư xây dựng và chấp thuận đầu tư bằng hình thức BOT. Vốn đăng ký đầu tư xây dựng là 28,7 tỷ đồng, trong đó vốn đã thực hiện đầu tư 12,3 tỷ đồng.
+ Về thu hút đầu tư xây dựng siêu thị: 5 dự án xây dựng các siêu thị: Lê Lợi, Thái An, Phúc Khánh, Dream, Thái Bình Vàng đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động; dự án siêu thị Việttel đang trong quá trình đầu tư. Tổng vốn thực hiện đầu tư 35,5 tỷ đồng
+ Về thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn: 3 dự án đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại: Thái Bình Vàng; Thiên Trường PLaza, Vichtoria Plaza ở thành phố Thái Bình đã được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động; dự án Trung tâm thương mại HIP đang được đầu tư xây dựng. Tổng vốn đầu tư 155,7 tỷ đồng.
Các dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, theo hướng văn minh và hiện đại, bước đầu làm thay đổi diện mạo thương mại Thái Bình, góp phần củng cố hệ thống lưu thông trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển thị trường thương mại nội địa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.
Tuy vậy, Thái Bình chưa có những bứt phá vươn lên mạnh mẽ; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn về Thái Bình đầu tư phát triển KCHT thương mại. Dù đã có cơ chế chính sách khuyến khích, kết quả thu hút đầu tư xây dựng KCHT thương mại Thái Bình còn khá khiêm tốn. Các dự án đã được đầu tư xây dựng chủ yếu tập trung ở thành phố, thị trấn, huyện, thị trong tỉnh có vị trí đắc địa. Khác với các dự án thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, thu hút dự án đầu tư phát triển KCHT thương mại phụ thuộc rất lớn vào kinh tế xã hội, mức thu nhập, sức tiêu thụ dân cư. Thu hút đầu tư phát triển KCHT thương mại vào Thái Bình còn rất khiêm tốn so với thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp của tỉnh. Thái Bình chưa có dự án đầu tư xây dựng chợ ở vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, nguyên nhân do Thái Bình là tỉnh còn có nhiều khó khăn về ngân sách.
Thời gian tới, tỉnh Thái Bình tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển KCHT thương mại. Công ty Hapro (Hà Nội) đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại thành phố Thái Bình và thị trấn Hưng Hà; Công ty Hải Âu (Bắc Giang) đầu tư xây dựng chợ ở huyện Vũ Thư và huyện Hưng Hà; Tập đoàn Dầu khí đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại và khách sạn Thái Bình 17 tầng, Tập đoàn Phú Thái, Sàigon Corp. nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại...
Từ thực tiễn trên, để đẩy mạnh đầu tư phát triển KCHT thương mại, Sở Công Thương Thái Binh xin kiến nghị Bộ Công Thương:
- Tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ đầu mối, các chợ vùng nông thôn.
- Nghiên cứu, đưa ra tiêu chí cụ thể tham mưu cho Chính phủ có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ loại 3 ở ở khu vực nông thôn có khó khăn để phục vụ nhu cầu dân sinh thiết yếu.
- Quan tâm đến các tỉnh khó khăn, hỗ trợ ban đầu phát triển trung tâm thương mại, siêu thị vì đây là việc rất quan trọng, tạo tiền đề kích thích sự phát triển KCHT thương mại và để giúp cho nhân dân ở vùng kinh tế đang phát triển được hưởng các dịch vụ văn minh hiện đại.