Chìa khoá cho thành công trong chính sách tam nông

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng (khóa X) đã chỉ rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng quan t

Tại ĐH XI của Đảng, một lần nữa vai trò và vị trí của nông nghiệp- nông dân- nông thôn lại được đề cập. Cũng trong diễn đàn ĐH, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực kinh tế đặc biệt này đã được nhắc đến nhiều.Thực tiễn đất nước trong giai đoạn vừa qua (nhất là ở giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới) đã chứng minh đường lối phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn do Đảng ta lãnh đạo và giai cấp nông dân là lực lượng trực tiếp thực hiện là hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù đóng góp của nền nông nghiệp trong GDP của quốc gia chỉ chiếm khoảng 20% và đóng góp cho xuất khẩu chỉ ở mức 23%; nhưng xét trên bình diện của lao động trong nông nghiệp thì sức mạnh của người nông dân Việt Nam là nổi bật. Trở lại những năm đầu của thời kỳ CNH- HĐH khi mà kinh tế đất nước nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng còn nhiều khó khăn thách thức; trong đó đội ngũ lao động nông nghiệp- nông thôn còn nhiều hạn chế như lề lối sản xuất manh mún, kỷ luật lao động còn tuỳ tiện, tư duy kinh tế còn thiếu chiều sâu... thì mới thấy đóng góp của khu vực sản xuất này trong giai đoạn gần đây lớn đến đâu.

Xuất phát từ lý luận và thực tiễn, trong dự thảo Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục xác định: “khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con. Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng...”. Và, cũng tại diễn đàn ĐH XI khi thảo luận về Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, nhiều đại biểu đã cơ bản đồng tình với 3 khâu đột phá được xác định trong Dự thảo Chiến lược, mà một trong số đó là: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ.

Khi gắn kết việc đào tạo nguồn nhân lực nông thôn trong sự phát triển của chương trình “tam nông” nhiều ý kiến đã bày tỏ mong muốn: Đảng và Nhà nước bổ sung và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, nâng cao mức sống của nông dân, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, mở rộng và nâng cao chất lượng dạy nghề, giải quyết nhu cầu việc làm của nông dân.

Một thực tế đang diễn ra là thu nhập và mức tiêu dùng bình quân của khu vực kinh tế nông thôn thấp hơn 2 lần thành thị và sự chênh lệch này ngày càng có nguy cơ tăng lên. Theo tính toán của giới chuyên gia, rất có thể trong 2 thập niên tới sẽ có 1/4 dân số nông thôn đổ về thành thị tìm cơ hội việc làm. Nếu vậy, việc nông thôn bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển sẽ khó tránh khỏi. Trước tình hình này, Nghị quyết của Đảng về vấn đề “tam nông” đã khơi trúng mạch nhằm giúp đưa nông nghiệp- nông thôn nước ta từng bước CNH- HĐH. Tuy nhiên, để giảm sự bất bình đẳng, cách biệt giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, thì chương trình “tam nông” cần được triển khai trên tất cả các mặt: đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới và tạo ra thiết chế pháp lý và trách nhiệm của cộng đồng đối với nông thôn.

Đã có những địa phương có cách làm hay như tại quê hương của “khoán hộ” (Vĩnh Phúc). Ở đây có một chương trình được nông dân rất quan tâm, theo tinh thần: “Tạo cần câu hơn cho con cá”. Thực chất của chương trình này là đề án bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn, cung cấp thông tin cho nông dân. Nội dung bao trùm của Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là giảm đóng góp, tăng đầu tư, trong đó vấn đề đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho nông dân được đặc biệt chú trọng. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ tập trung bồi dưỡng, huấn luyện, cập nhật kiến thức cơ bản về pháp luật, cơ chế, chính sách, kỹ thuật sản xuất, thị trường, cách thức làm ăn cho 200.000 - 220.000 nông dân /năm (trung bình mỗi hộ 1 người) với kinh phí dự kiến 12 tỷ đồng /năm. Tuy nhiên, cũng có những địa phương còn gặp khó trong đào tạo nguồn nhân lực nông thôn. Đại biểu dự ĐH XI, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, từ thực tế địa phương đã cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong đó có nguồn lao động ở nông thôn. Hiện nay số lượng lao động ở nông thôn còn khá lớn nhưng chất lượng lại thấp. Muốn khu vực này phát triển nhanh và bền vững, theo ông Thanh, rất cần một chương trình đặc biệt đầu tư hạ tầng trường lớp, giáo viên đào tạo nhân lực ở nông thôn. Còn tại Đồng Nai, TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ cho biết: Với số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề, thì kinh phí hỗ trợ quá thấp (bình quân 1 triệu đồng/người) khó có thể đào tạo nghề một cách bài bản. Quan trọng hơn, đến nay vẫn còn kiểu “cào bằng” trong đào tạo nghề, chưa có một chính sách cụ thể nhằm ưu đãi, thu hút, đào tạo các ngành nghề thiếu hụt lao động và lao động trình độ cao ở các địa phương.

Qua thực tế của một số địa phương, có lẽ rất cần sự đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt từ chính sách đến thực thi các chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực nông thôn. Bởi. chính sách đúng đã tốt, nhưng nếu trong khâu thực hiện chưa triệt để và còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi” thì hiệu quả thực sự sẽ không cao.