Theo đó, GAC đưa ra danh sách 29 loại phân bón xuất khẩu sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ, gồm Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate.
Tuy nhiên, dòng phân bón ammonium sulphate không thuộc danh sách nêu trên. Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón ammonium sulphate hàng đầu thế giới với lượng xuất khẩu lên tới 8,7 triệu tấn trong năm 2020. Hiện Trung Quốc chưa công bố thông tin về việc kiểm soát, thanh tra các lô hàng xuất khẩu sẽ được thực hiện như nào.
Thông báo của GAC được đưa ra sau khi hãng tin Argus Media (Anh) dẫn lời một số nguồn tin cho biết một số cảng xuất khẩu chính của Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động thông quan đối với các hợp đồng xuất khẩu mới phân bón Urea và một số loại phân bón khác mới.
Hồi đầu tháng 8/2021, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan điều hành kinh tế cao nhất của Trung Quốc, đã yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh sản xuất phân bón của nước này phải hạn chế xuất khẩu, đặc biệt là đối với các dòng phân bón Urea và DAP.
NDRC lo ngại thị trường phân bón nội địa nước này sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiều loại phân bón trên toàn cầu tăng cao. Hoạt động sản xuất phân bón tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng mất điện diện rộng và chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt.
Giới phân tích dự báo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phân bón của nước này có thể kéo dài đến ít nhất quý 2/2022, thậm chí đến cuối năm 2022 trong khi đó nhu cầu sử dụng dòng phân bón potash và phosphate trên thế giới được dự báo sẽ ở mức cao, lượng tồn trữ các loại phân bón tại nhiều nơi trên toàn cầu hiện cũng ở dưới ngưỡng trung bình hàng năm.
Tại Châu Âu, hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón vừa tuyên bố tạm dừng sản xuất dòng phân bón NPK do do nguồn cung các nguyên liệu chính là ammonia, phosphate và khí đốt khan hiếm và giá tăng giá vọt. Hiện khu vực Châu Âu chiếm phần lớn sản lượng sản xuất, xuất khẩu NPK của thế giới, nên việc dừng sản xuất này đã lập tức làm nguồn cung giảm sút nghiêm trọng.
Thời điểm hiện tại cũng là lúc nhiều quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn như Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Châu Phi chuẩn bị bước vào vụ mùa mới. Do đó giá phân bón NPK được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.