Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/10 (theo giờ địa phương) đầy biến động, đà tăng vọt của giá dầu thô trong những phiên giao dịch gần đây tạm chững lại. Cụ thể, chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 chỉ tăng nhẹ thêm 23 cents lên 83,42 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 cũng tăng thêm 12 cents lên 80,64 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent đạt mức 84,23 USD/thùng – tiệm cận mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018.
Tính đến hết tuần trước, giá dầu thô Brent đã tăng 5 tuần liên tiếp và giá dầu thô WTI có tuần tăng thứ 7 liên tiếp; và tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá cả hai loại dầu thô này đã tăng vọt 15%. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo việc giá dầu thô chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng diễn ra trầm trọng, đẩy giá nhiều mặt hàng năng lượng như khí tự nhiên và than đá tăng vọt, góp phần đẩy giá dầu thô tăng theo. Giới quan sát cảnh báo cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc có thể kéo dài cho đến cuối năm nay khi nước này bắt đầu bước vào các tháng mùa đông với dự báo thời tiết sẽ lạnh hơn thông thường. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa qua đã hạ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống mức 5,9%, thấp hơn mức 6% được đưa ra hồi tháng 7 vừa qua. Đồng thời, IMF hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay của Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản.
Mặc dù giá dầu thô đã tăng nóng trong những tuần gần đây nhưng liên minh OPEC+, vốn kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu, vẫn kiên định về việc không nâng sản lượng khai thác dầu thô ồ ạt. Hồi tháng 9 vừa qua, liên minh OPEC+ nhận định thị trường toàn cầu sẽ nhanh chóng chuyển từ trạng thái thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm nay sang dư cung trong năm 2022.
Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã phục hồi, tăng 60% chủ yếu nhờ việc liên minh OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng khai thác.