Chốt phiên giao dịch ngày 11/10 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SGX) đã tăng mạnh 10% lên 137,60 USD/tấn; giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) cũng tăng tới 4,6% lên 749 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 116,02 USD).
Giá quặng sắt trên sàn SGX và DCE được xem là giá tham khảo cho các hợp đồng giao dịch quặng sắt tại thị trường Châu Á, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới. Tính từ đầu tháng đến nay, giá quặng sắt đã bật tăng tới 16% sau khi lao dốc mạnh từ cuối tháng 8/2021.
Giới phân tích nhận định đà tăng của giá quặng sắt chủ yếu được nâng đỡ bởi kỳ vọng của thị trường về việc một số hãng sản xuất thép tại Trung Quốc sẽ gia tăng công suất hoạt động trở lại sau một thời gian buộc phải cắt giảm sản xuất đáng kể trong tháng 9 vừa qua.
Đồng thời, một số nhà đầu tư kỳ vọng tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại Trung Quốc hiện nay sẽ khiến các hãng sản xuất thép sử dụng công nghệ lò hồ quang điện với nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu sẽ phải giảm đáng kể hoặc ngưng hoạt động. Như vậy các hãng sản xuất thép sử dụng công nghệ lò cao, luyện thép từ quặng sắt sẽ có cơ hội tăng sản lượng để lấp chỗ trống trên thị trường. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng quặng sắt trong thời gian tới.
Ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá thuộc tập đoàn ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, nhận định “Các báo cáo gần nhất cho thấy sản lượng thép tại một số trung tâm sản xuất thép lớn của Trung Quốc như Đường Sơn, Giang Tô, Chiết Giang và An Huy đang tăng trở lại sau khi hoạt động sản xuất thép tại các khu vực này giảm mạnh trong tháng 9 vừa qua. Các nhà máy sản xuất thép vốn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp siết chặt cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính có thể tăng sản lượng trong tháng 11 tới đây lên cao hơn hoặc bằng mức sản lượng trong tháng 10 này.”
Trong năm nay, giá quặng sắt trên thị trường thế giới đã biến động mạnh theo những chính sách kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính của Chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 5 vừa qua, giá quặng sắt đã chạm mức cao nhất trong lịch sử khi các nhà máy thép tại Trung Quốc gia tăng công suất đáng kể để sản xuất trước khi chính phủ áp đặt các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Sau đó, giá quặng sắt liên tục lao dốc đến cho đến cuối tháng 9 khi các biện pháp hạn chế phát thải khí nhà kinh được Trung Quốc siết chặt và xuất hiện các rủi ro thị trường bất động sản nước này vỡ nợ quy mô lớn.
Hiện thị trường toàn cầu đang tập trung quan sát diễn biến cuộc khủng hoảng năng lượng vốn lan rộng từ Châu Âu đến Châu Á, khiến nhiều nhà máy phải ngưng hoạt động do thiếu hụt điện và chi phí năng lượng đầu vào tăng vọt; qua đó, đe doạ nghiêm trọng đến đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Cuối tuần trước, Trung Quốc cho biết sẽ nâng giá điện đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp lên gấp đôi hiện tại nhằm giải quyết phần nào cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và buộc các lĩnh vực có mức tiêu thụ điện năng lớn như luyện kim phải điều chỉnh hoạt động sản xuất.
Tập đoàn tài chính Citigroup Inc. (Hoa Kỳ) nhận định tình trạng thiếu điện diện rộng tại Trung Quốc có thể kéo dài xuyên suốt mùa đông năm nay và nước này đối mặt rủi ro rơi vào trạng thái đình lạm (stagflation) – lạm phát kèm suy thoái. Đồng thời, Trung Quốc có thể xuất khẩu lạm phát ra toàn cầu thông qua các chuỗi cung ứng do giá các sản phẩm của nước này sẽ tăng lên đáng kể.
Khảo sát mới nhất của hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho thấy mức giá xuất xưởng tại các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 9/2021 có thể tăng tới 10,5% - mức tăng theo tháng cao nhất kể từ hồi năm 1995. Citigroup Inc. cảnh báo tình trạng giá năng lượng tăng cao trong mùa đồng tới đây, kéo theo đó là giá các sản phẩm luyện kim như thép có thể tạo ra cú sốc cầu đối với các lĩnh vực sử dụng sắt thép nhiều tại Trung Quốc như sản xuất chế tạo và xây dựng.