Chốt phiên giao dịch ngày 8/10 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tăng mạnh 3% lên mức 749 Nhân dân tệ (tương đương 116,24 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch đã có lúc giá quặng sắt tăng lên mức 769 Nhân dân tệ/tấn – mức giá cao nhất kể từ hồi 6/9 đến nay. Đây cũng là phiên giao dịch đầu tiên của giá quặng sắt trên sàn DCE sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của Trung Quốc kéo dài từ 1/10 – 7/10.
Giá quặng sắt tăng lên khi một số nhà đầu tư kỳ vọng tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại Trung Quốc hiện nay sẽ khiến các hãng sản xuất thép sử dụng công nghệ lò hồ quang điện để sản xuất thép với nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu sẽ bị ngưng hoạt động hoặc giảm công suất đáng kể. Như vậy các hãng sản xuất thép sử dụng công nghệ lò cao luyện thép từ quặng sắt sẽ có cơ hội tăng sản lượng để lấp chỗ trống trên thị trường, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu sử dụng quặng sắt. Giá quặng sắt trên sàn DCE được xem là mức giá tham khảo cho các hoạt động giao dịch quặng sắt trên thị trường kỳ hạn tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá cấp cao Daniel Hynes từ tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cảnh báo tình trạng suy yếu trong lĩnh vực xây dựng bất động sản tại Trung Quốc do các rủi ro vỡ nợ đang ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng thép tại nước này, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng quặng sắt sẽ chỉ ở mức thấp. Bên cạnh đó, chính sách tiếp cận của Chính phủ Trung Quốc vẫn là giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động sản xuất thép. Do đó ngành thép nước này vẫn đối mặt nhiều thách thức.
Chuyên gia phân tích Vivek Dhar thuộc tập đoàn ngân hàng Commowealth Bank of Australia nhận định “Chúng tôi nhận định sản lượng thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức thấp cho đến hết Quý 1/2022 khi Chính phủ Trung Quốc muốn giảm thiểu ô nhiễm không khí trong thời gian tổ chức Thế vận hội Olympics mùa Đông vào tháng 2/2022 tới đây.”
Trong khi đó, ông Olivier d’Assier, trưởng ban phân tích thị trường Châu Á – Thái Bình Dương tại hãng tư vấn tài chính Qontigo (Đức), cho biết tâm lý giới đầu tư trên thị trường quặng sắt Trung Quốc đã được cải thiện nhưng giá quặng sắt vẫn đang duy trì xu hướng giảm và các khả năng đẩy giá quặng sắt tăng trở lại vẫn đang bị kìm hãm bởi cuộc khủng hoảng mất điện diện rộng hiện nay và chính sách giảm ô nhiễm không khí của Trung Quốc trong thời gian tới.
Đồng thời, ông Olivier d’Assier cũng lưu ý về những rủi ro địa chính trị về quan hệ thương mại giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngành thép Trung Quốc.