Chốt phiên giao dịch ngày 8/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 đã tăng 0,5% lên 82,39 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng mạnh 1,3% lên 70,35 USD/thùng – mức chốt phiên giao dịch cao nhất kể từ cuối tháng 10/2014. Trong tuần vừa qua, đã có lúc giá dầu thô Brent đạt tới 83,47 USD/thùng – mức cao nhất kể từ cuối năm 2018.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã tăng hơn 4% trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt với rủi ro khủng hoảng năng lượng khi giá khí tự nhiên và giá than đá để sản xuất điện liên tục lập mức giá kỷ lục mới. Đây là tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp của dầu thô thế giới.
Thị trường hiện ngày càng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong những tháng cuối năm nay khi liên minh OPEC+ tiếp tục quyết định thận trọng trong việc nâng sản lượng khai thác.
Trước đó, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã liên tục gây sức ép, thúc giục liên minh OPEC+ phải nâng đáng kể sản lượng khai thác nhằm giữ giá dầu thô ở mức “hợp lý”. Chính phủ Hoa Kỳ hiện cho biết đang theo dõi sát diễn biến thị trường năng lượng nhưng chưa công bố bất kỳ biện pháp gì để hạ nhiệt đà tăng nóng của các loại nâng lượng.
Ông John Kilduff, đối tác và nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn tài chính Again Capital LLC (New York), nhận định nhân tố cơ bản đang đẩy giá dầu thô ngày càng tăng cao là tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Đặc biệt, các quốc gia Bắc Bán cầu đang tăng cường tích trữ các nguồn năng lượng để chuẩn bị cho những tháng mùa đông tới đây. Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh nước này phải đảm bảo nguồn cung năng lượng bằng mọi giá cho mùa đông năm nay.
Đáng chú ý, việc giá khí tự nhiên trên toàn cầu đạt mức cao nhất lịch sử giá đang kích thích nhiều nhà máy phát điện chuyển từ sử dụng khí sang dầu nhiên liệu, khiến nhu cầu sử dụng dầu thô tăng vọt so với các dự báo. Chỉ số giá khí tự nhiên Dutch TTF tại khu vực Châu Âu trong ngày 8/10 đã tương đương với việc giá dầu thô đạt 200 USD/thùng.
Tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) dự báo việc chuyển đổi từ sử dụng khí sang dầu thô để sản xuất điện sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong quý 4/2021 tăng thêm 450.000 thùng/ngày. Trong khi đó, liên minh OPEC+ vốn kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu chỉ tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tới đây.