Cụ thể, giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) JKM đối với các lô khí giao tháng 11/2021 đã đạt 56,326 USD/MMBtu, tăng tới 16,655 USD/MMBtu tương đương 42% trong phiên giao dịch nngày 6/10. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử kể từ khi chỉ số giá này được xác lập vào năm 2009.
Đà tăng vọt của giá khí LNG trên thị trường Châu Á chủ yếu do giá khí tự nhiên tại Châu Âu vừa chạm mức kỷ lục mới. Chỉ số giá khí tự nhiên Dutch TTF của Châu Âu đối với các lô khí giao tháng 12/2021 đã tăng tới 40% trong phiên giao dịch ngày 6/10 lên 159,50 EUR/MWh, tương đương 54,032 USD/MMBtu. Chỉ số giá khí NPB của Vương quốc Anh cũng tăng lên mức 55,182 USD/MMBtu.
Hãng S&P Global Platts dẫn lời một hãng kinh doanh khí LNG tại Châu Âu cho biết chỉ số giá khí LNG JKM đang có xu hướng tăng cao vượt hẳn so với mức giá khí tự nhiên tại Châu Âu do nhiều khách hàng tại Châu Á đang cạnh tranh gay gắt với khu vực Châu Âu để có được các lô khí giao ngay.
Cuộc khủng hoảng khí tự nhiên tại Châu Âu và Châu Á đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi mức giá khí liên tục lập những đỉnh giá kỷ lục mới trong bối cảnh nhiều quốc gia tiêu thụ khí tự nhiên lớn tăng cường thu mua khí trên toàn cầu.
Đặc biệt, Trung Quốc vừa phát đi các động thái cho thấy sẽ tìm mọi cách đảm bảo nguồn cung năng lượng trong những tháng mùa đông tới đây cho dù giá các mặt hàng năng lượng tăng cao đến đâu. Giá than đá dùng để sản xuất điện tại Châu Á hiện cũng đang ở mức cao nhất 13 năm trở lại đây; đồng thời, giá dầu thô Brent tiếp tục giữ trên ngưỡng 80 USD/thùng.
Ông Jeff Moore, người đứng đầu bộ phận phân tích giá khí LNG khu vực Châu Á tại S&P Global Platts, nhận định thị trường khí LNG đang đối mặt với những diễn biến phức tạp, không dự liệu được trước về nguồn cung khí LNG. Giới quan sát nhận định nhu cầu sử dụng khí LNG của khu vực Châu Á lẫn Châu Âu sẽ ở mức cao trong những tháng mùa đông tới đây khi nhiệt độ có thể giảm thấp hơn thông thường. Trong khi đó, mức tồn trữ khí LNG tại nhiều quốc gia đang ở mức thấp hơn trung bình và Trung Quốc đang đối mặt cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây.
Các nhà phân tích nhận định bất kỳ thay đổi nào trong chiến lược mua hàng, đàm phán giá các lô khí hoặc dự báo thay đổi nhu cầu sử dụng khí của các bên trên thị trường sẽ tác động ngay đến giá khí. Trước đó, nhiều bên trên thị trường nhận định rằng chỉ số giá khí LNG JKM khó có thể vượt ngưỡng 30 USD/MMBtu cho đến khi bước vào mùa đông.
Đà tăng vọt của giá khí tự nhiên tại Châu Âu và Châu Á cũng đẩy giá khí tự nhiên tại Hoa Kỳ lên mức 6,31 USD/MMBtu, tiệm cận mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Hoa Kỳ hiện là quốc gia xuất khẩu khí LNG lớn thứ 3 thế giới, sau Australia và Qatar. Nhiều khách hàng trên toàn cầu đang tích cực gom mua các lô khí xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Vừa qua, một nhóm các doanh nghiệp sử dụng năng lượng lớn của Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ nước này cần có biện pháp hạn chế xuất khẩu khí LNG nhằm đảm bảo nguồn cung khí trong những tháng mùa đông tới đây khi mức dự trữ khí tự nhiên của 48 tiểu bang nước này ở dưới mức trung bình 5 năm gần nhất.