Giá dầu thô bật tăng mạnh trở lại, Hoa Kỳ không xả bán kho dự trữ dầu chiến lược

Giá dầu thô thế giới đã bật tăng mạnh trở lại sau khi Hoa Kỳ cho biết không có kế hoạch xả bán kho dự trữ dầu chiến lược để hạ nhiệt thị trường. Giới quan sát nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô có thể tăng mạnh trong thời gian tới khi nhiều nhà máy điện tại Bắc Bán cầu chuyển từ sử dụng khí tự nhiên sang dầu nhiên liệu.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI từ ngày 8/9 - 8/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 11h15 sáng nay ngày 8/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 đã bật tăng 1,05% lên 82,80 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,14% lên 79,19 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent và dầu thô WTI phục hồi, đồng loạt tăng 1,1%. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng mạnh 4%. Giá dầu thô bật tăng trở lại sau khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết hiện chưa có bất kỳ kế hoạch nào tại thời điểm hiện tại về việc sử dụng nguồn dầu thô dự trữ chiến lược quốc gia để hạ nhiệt đà tăng nóng của giá dầu thô.

Trong phiên giao dịch ngày 6/10, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm mạnh sau khi Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm phát biểu với giới truyền thông về việc Hoa Kỳ có thể  xả bán ra thị trường lượng lớn kho dầu dự trữ chiến lược hoặc cấm xuất khẩu dầu thô để đưa giá dầu về mức phù hợp hơn.

Giá dầu thô bật tăng mạnh qua ngưỡng 80 USD/thùng trong tuần này chủ yếu do thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu sẽ trở nên căng thẳng hơn sau khi liên minh OPEC+ bất ngờ quyết định giữ nguyên quyết định chỉ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tới đây bất chấp sức ép ngày càng tăng từ phía Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, việc giá khí tự nhiên trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục cũng thúc đẩy nhiều nhà máy điện khí chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu, khiến nhu cầu sử dụng dầu thô tăng cao hơn các dự báo trước đây.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, vẫn giữ quan điểm thận trọng về việc nâng sản lượng khai thác dầu thô do lo ngại những tác động phức tạp, khó dự báo của làn sóng lây nhiễm Covid-19 đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Giới phân tích nhận định diễn biến giá khí tự nhiên và xu hướng chuyển đổi từ khí sang dầu sẽ là hai nhân tố chính chi phối giá dầu thô trong thời gian tới.

Giá khí tự nhiên tại khu vực Châu Âu hiện quy đổi tương đương mức giá dầu thô 200 USD/thùng. Các chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá thuộc tập đoàn ngân hàng ANZ nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô của các nhà máy phát điện khu vực Bắc Bán cầu có thể tăng đáng kể trong những tháng mùa đông tới đây. Dữ liệu cũng cho thấy mức tồn trữ các sản phẩm lọc hoá dầu của Hoa Kỳ, bao gồm cả dầu hoả và dầu diesel cho các tháng mùa đông tới đây đang có xu hướng giảm, chạm mức thấp nhất kể từ hồi năm 2000 trở lại đây.

Quang Đặng