Trúng thầu loạt dự án nghìn tỷ, bức tranh kinh doanh của Tập đoàn Đạt Phương (DPG) có gì?

Dự báo mảng xây dựng cơ sở hạ tầng của Tập đoàn Đạt Phương (mã cổ phiếu DPG) sẽ tăng trưởng 20% trong năm nay trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy đầu tư công với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Tập đoàn Đạt Phương trúng hàng loạt gói thầu quy mô lớn

Tập đoàn Đạt Phương
Trong những năm gần đây, Tập đoàn Đạt Phương trong vai trò liên danh và độc lập đã trúng hàng chục gói thầu với tổng giá trị lên đến 19.000 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã cổ phiếu DPG – sàn HoSE) vừa công bố thông tin về việc trúng thầu một loạt dự án mới. Cụ thể, tập đoàn đa ngành này mới trúng thầu dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định với tổng giá trị hợp đồng gần 1.200 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 7/2023, Tập đoàn Đạt Phương với vai trò là nhà thầu đứng đầu liên danh đã tiến hành triển khai thi công dự án Nâng cấp tuyến vận tải thuỷ sông Đuống với cấu phần quan trọng là xây dựng cầu Đuống mới tại TP.Hà Nội, có tổng mức đầu tư gần 1.850 tỷ đồng.

Vào giữa tháng 6/2023, liên danh Tập đoàn Đạt Phương – Công ty Cổ phần Công trình Giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành khởi công dự án Nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận (ĐT994); gói thầu này có giá trị 414 tỷ đồng.

Ngoài những gói thầu trên, trong những năm gần đây, Tập đoàn Đạt Phương trong vai trò liên danh và độc lập đã trúng hàng chục gói thầu, chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cầu và đường cao tốc. Tổng giá trị các gói thầu này lên tới hơn 19.000 tỷ đồng.

 

Tập đoàn Đạt Phương
Một số gói thầu đáng chú ý của Tập đoàn Đạt Phương trong năm nay. (Nguồn: Tập đoàn Đạt Phương, MAVR tổng hợp)

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong xây dựng cơ sở hạ tầng, Tập đoàn Đạt Phương là một trong những công ty xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ bứt phá trong thời gian tới khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động đầu tư công với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Tập đoàn Đạt Phương hiện đang hoạt động chủ yếu trong 03 mảng: xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản, và mảng năng lượng (chủ yếu là thuỷ điện). Mảng xây lắp chiếm chủ đạo trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn này (chiếm trên 80%), theo sau là mảng năng lượng (trên 16%), còn lại là mảng bất động sản.

Tuy nhiên, mảng xây lắp của Tập đoàn Đạt Phương có biên lợi nhuận gộp thấp (chỉ khoảng 6%), nên mảng này chỉ đóng góp khoảng 30% cơ cấu lợi nhuận gộp trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, mảng sản xuất điện có biên lợi nhuận gộp lên đến trên 70%, đóng góp tới 74% cơ cấu lợi nhuận gộp của tập đoàn. Mặc dù mảng xây lắp đem lại lợi nhuận gộp thấp nhưng đây được xem là tiền đề để Tập đoàn Đạt Phương mở rộng hai mảng kinh doanh cốt lõi còn lại.

Lợi nhuận gộp
Cơ cấu lợi nhuận gộp theo các mảng kinh doanh chính của Tập đoàn Đạt Phương trong nửa đầu năm 2023 so với nửa đầu năm 2022. (Nguồn: Tập đoàn Đạt Phương, MAVR tổng hợp)

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu 1.159 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 271 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do mảng năng lượng và bất động sản suy giảm. Do đó, lãi ròng của công ty mẹ - Tập đoàn Đạt Phương giảm đáng kể xuống còn 87 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành được 33,7% mục tiêu doanh thu và 47,6% mục tiêu lãi ròng cả năm.

Xem thêm: "Lãi ròng năm 2024 của Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể tăng 94%, vượt trội so với giai đoạn 2015-2020" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Dự kiến mảng xây lắp tăng trưởng 20% trong năm nay

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Tập đoàn Đạt Phương, năm nay được xem là cơ hội để phát triển và mở rộng thị trường đối với mảng xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự kiến mảng kinh doanh này sẽ chiếm phần lớn tổng doanh năm tài chính 2023 nhưng đóng góp vào cơ cấu lợi nhuận của tập đoàn sẽ không quá cao do biên lợi nhuận gộp của mảng này thấp.

Hiện Mirae Asset Vietnam Research (MAVR) nhận định mảng xây lắp của Tập đoàn Đạt Phương có thể tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ chỉ dao động trong khoảng 5,5% - 6%. Trong năm 2022, biên lãi gộp mảng này của Tập đoàn Đạt Phương là 4,9%. MAVR cũng lưu ý, biên lãi gộp mảng này trong 12 - 24 tháng tới có thể sẽ giảm xuống do sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong phân khúc xây dựng hạ tầng. Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp xây lắp niêm yết lớn khác.

Đối với mảng năng lượng, Tập đoàn Đạt Phương đang vận hành 4 nhà máy thuỷ điện quy mô nhỏ (dưới 30 MW), gồm: Sông Bung, Sơn Trà 1 (A B, C). Các nhà máy thuỷ điện này có vị trí thuận lợi và được đánh giá có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất điện khác. Nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi trong 2-3 năm gần đây, doanh thu từ thủy điện tăng trưởng ấn tượng với tốc độ nhanh và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận gộp.

Trong nửa đầu năm nay, bất chấp điều kiện thuỷ văn kém thuận lợi, mảng kinh doanh này vẫn đóng góp chủ đạo trong cơ cấu lợi nhuận gộp của Tập đoàn Đạt Phương trong 6 tháng đầu năm nay, chiếm 218 tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái).

Giá cổ phiếu DPG Tập đoàn Đạt Phương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DPG của Tập đoàn Đạt Phương từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong năm nay, Tập đoàn Đạt Phương không có kế hoạch mở rộng mảng năng lượng, chỉ tập trung thực hiện tốt công tác bảo dưỡng và dự báo để tối ưu hoá hiệu quả các dự án đang vận hành.

Đối với mảng bất động sản, ban lãnh đạo Tập đoàn Đạt Phương đánh giá năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn đối với thị trường bất động sản. Do đó, tập đoàn này sẽ chỉ tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng và đảm bảo điều kiện bán hàng cho các Dự án đang triển khai dở dang, trong đó có Dự án KĐT Cồn Tiến (tên thương mại - Casamia Balanca); đồng thời tìm kiếm các Dự án khác phù hợp với định hướng phân khúc sản phẩm của tập đoàn. Dự án KĐT Cồn Tiến được kỳ vọng sẽ ghi nhận doanh thu kể từ năm 2024.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 4/10, cổ phiếu DPG đạt 35.800 đồng/cổ phiếu, tăng 24% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang