Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Phong trào thi đua là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nhà trường phát triển toàn diện, bền vững

Trong thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có những bước chuyển tích cực cả về nội dung và hình thức, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn và đã c

Thi đua gắn liền với khen thưởng trong toàn Trường

Công tác thi đua khen thưởng của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội liên tục được đổi mới theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Công Thương. Nhà trường đã cụ thể hóa bằng xây dựng và ban hành các quy định nội bộ, như: Quy định về đánh giá viên chức, Quy định về thi đua, khen thưởng cán bộ, viên chức theo năm học, Quy định về xếp loại thi đua hàng tháng đối với cán bộ, viên chức, Quy định về nâng bậc lương trước thời hạn do có thành tích xuất sắc, Quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh, sinh viên (HSSV),…

Ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thi đua không chỉ là hoạt động phong trào, mà thi đua thực sự gắn với quyền, lợi ích của cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên. Các quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên luôn gắn với kết quả thi đua cụ thể, như: giáo viên được tặng Bằng khen của Bộ Công Thương sẽ được xét nâng lương sớm trước 9 tháng; giáo viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ sẽ được xét nâng lương sớm trước 12 tháng; giáo viên có 2 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, hoặc có 01 năm đạt giải tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, cấp Quốc gia sẽ được hỗ trợ đi tham quan, học tập tại nước ngoài… Ngược lại, nếu ai vi phạm trong tháng, bị xếp loại B, C, D, thì tùy theo mức độ sẽ bị trừ thưởng của ngay tháng đó; nếu 2 năm liên tục đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc,… Với học sinh, sinh viên, các em được quan tâm đặc biệt và khen thưởng kịp thời khi có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua, cuộc vận động do tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng phát động có vị trí quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước chung. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”,… Các chi bộ phấn đấu đạt danh hiệu chi bộ “trong sạch vững mạnh”, có nhiều đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công đoàn, Nữ công thi đua phấn đấu đạt danh hiệu công đoàn, nữ công/tổ công đoàn, tổ nữ công vững mạnh, đoàn viên công đoàn, nữ viên chức xuất sắc; tích cực hưởng ứng phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, đồng bào các vùng bị thiên tai, học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.

Tất cả kết quả bình xét thi đua từ chính quyền và các tổ chức đoàn thể đều được cụ thể hóa thành những tiêu chí để xét thưởng, tăng thu nhập, xem xét trong các lĩnh vực khác như cử đi học tập nâng cao trình độ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ,… Việc khen thưởng theo đúng thủ tục, quy trình, kịp thời, đúng người, đúng việc, chú trọng khen thưởng cho cá nhân, người lao động trực tiếp, khen thưởng đột xuất, khen thưởng chuyên đề,… đã có tác dụng động viên, khuyến khích rất lớn đối với cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó là hiệu quả sâu rộng của cuộc vận động đã có tác dụng đối với cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội trong nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

Chính vì sự quan tâm đặc biệt cho công tác thi đua khen thưởng mà trong nhiều năm qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín trong xã hội, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2008), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2013).

Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.

Nhân rộng điển hình tiên tiến, sức mạnh từ những phong trào thi đua

Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Bình bầu thi đua đúng, công khai, chặt chẽ giúp cho việc khen thưởng được chính xác. Bình bầu thi đua rộng, nể nang thì dẫn đến việc khen thưởng tràn lan; bình bầu thi đua chiếu lệ, nếu không kiểm tra kỹ thì dẫn đến khen sai, khen không đúng sẽ phản tác dụng. Muốn làm tốt công tác khen thưởng thì phải lãnh đạo tốt phong trào thi đua và tổ chức việc bình bầu danh hiệu thi đua nghiêm túc. Với nhận thức đó, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã quan tâm, chú trọng công tác này. Trong những năm qua, thi đua và khen thưởng trong nhà trường đã có mối quan hệ khăng khít, tác động qua lại. Việc thi đua và khen thưởng thực hiện đúng, kịp thời; phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, “quản lý tốt, phục vụ tốt” gắn với phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được nhân rộng trong các đơn vị, các tổ chức đoàn thể,… Thông qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, mang tính sáng tạo.

Giải pháp thi đua trong thời gian tới

Đứng trước những yêu cầu mới, thách thức mới của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn cả nước đang bước nhanh, bước mạnh, bước vững chắc vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiệm vụ về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước ngày càng trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Để phát huy, làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng luôn đóng một vai trò rất quan trọng. Vì vậy, công tác thi đua khen thưởng trong thời gian tới cần tập trung cụ thể một số giải pháp sau đây.

Thứ nhất, cần tạo sự thống nhất về tư tưởng trong việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành Công Thương nói chung và trong khối các trường đào tạo nói riêng.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân đối với công tác thi đua, khen thưởng.

Thứ ba, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao của từng đơn vị.

Thứ tư, quan tâm xây dựng các gương điển hình tiên tiến và đổi mới công tác khen thưởng.

Thứ năm, cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Với nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, Nhà trường gắn liền với xã hội, cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội quyết tâm thi đua xây dựng và phát triển nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học uy tín, phát triển, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ có trình độ cao, có đạo đức trong sáng, có lòng tự tôn, tự hào dân tộc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, xứng đáng với niềm tự hào về ngôi trường 117 năm, vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm và là ngôi trường luôn dẫn đầu các phong trào thi giáo viên dạy nghề và thi học sinh giỏi nghề toàn quốc.