Từ 22/2/2021 áp dụng quy định mới về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện

Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 do Bộ Công Thương ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay (22/2/2021), thay đổi một số nội dung về phương pháp xác định giá phát điện và giá hợp đồng mua bán điện cho các nhà máy điện, cũng như trình tự đàm phán và kiểm tra hợp đồng mua bán điện.

Thông tư 57/2020/TT-BCT áp dụng đối với các nhà máy điện đấu nối với hệ thống điện quốc gia có tổng công suất lắp đặt trên 30MW, các nhà máy điện có công suất lắp đặt từ 30MW trở xuống tự nguyện tham gia thị trường điện.

Thông tư này không áp dụng đối với nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng biểu giá chi phí tránh được, nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy điện độc lập được đầu tư theo hình thức BOT, nhà máy điện chỉ cung cấp dịch vụ phụ trợ, nhà máy điện sinh khối, nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện rác và nhà máy điện sử dụng chất thải rắn.

Thông tư 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 quy định phương pháp xác định giá phát điện và trình tự đàm phán, kiểm tra hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện
Thông tư 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 quy định phương pháp xác định giá phát điện và trình tự đàm phán, kiểm tra hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện

Phương pháp tính giá phát điện

Thông tư 57/2020/TT-BCT quy định, đối với nhà máy điện mới, giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án và tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.

Giá phát điện của nhà máy điện bao gồm giá hợp đồng mua bán điện và giá đấu nối đặc thù do hai bên thỏa thuận; chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của Nhà nước (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá phát điện).

Trong đó, giá hợp đồng mua bán điện phải nằm trong khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành. Riêng giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy nhiệt điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện.

Trên cơ sở các điều kiện vay vốn thực tế và khả năng tài chính của dự án, hai bên thỏa thuận giá cố định bình quân của nhà máy điện thành giá cố định từng năm với điều kiện đảm bảo giá cố định bình quân không thay đổi so với mức giá đã được hai bên thỏa thuận.

Hàng năm, căn cứ tổng vốn vay ngoại tệ, kế hoạch trả nợ vốn vay ngoại tệ, số liệu trả nợ gốc vay thực tế, tỷ giá quy đổi đã được hai bên thỏa thuận trong phương án giá điện, tỷ giá quy đổi thực hiện năm liền kề trước, hai bên thực hiện tính toán chênh lệch tỷ giá và đề xuất phương án thanh toán gửi Cục Điều tiết điện lực kiểm tra, trình Bộ Công Thương xem xét quyết định phương án thanh toán. 

Các phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện Năm cơ sở, giá cố định bình quân, giá vận hành và bảo dưỡng, giá biến đổi, giá đấu nối đặc thù của nhà máy điện đều được nêu rõ trong Thông tư 57/2020/TT-BCT.

Phương pháp xác định các loại giá cấu thành nên giá phát điện của nhà máy điện được quy định chi tiết trong Thông tu 57/2020/TT-BCT
Phương pháp xác định các loại giá cấu thành nên giá phát điện của nhà máy điện được quy định chi tiết trong Thông tu 57/2020/TT-BCT

Đối với các nhà máy điện mà hợp đồng mua bán điện đã hết thời hạn nhưng nhà máy điện chưa hết đời sống kinh tế, giá phát điện tại hợp đồng mua bán điện hiện tại được áp dụng tiếp cho các năm tiếp theo đến hết đời sống kinh tế.

Đối với các nhà máy điện đã hết đời sống kinh tế, giá cố định được xác định theo nguyên tắc đảm bảo cho nhà máy điện thu hồi các chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, thời gian tính giá theo chu kỳ sửa chữa lớn thiết bị chính và thỏa thuận mức lợi nhuận hợp lý.

Theo các nội dung này, Thông tư 57/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện.

Cụ thể, sửa đổi nội dung liên quan đến suất đầu tư và 7 loại chi phí thành phần; 

Sửa đổi công thức xác định lãi suất vốn vay (%) được tính bằng lãi suất bình quân gia quyền các nguồn vốn vay nội tệ và ngoại tệ; 

Sửa đổi công thức xác định giá biến đổi của nhà máy điện chuẩn cho năm áp dụng khung giá là thành phần để thu hồi chi phí nhiên liệu, các chi phí biến đổi khác của Nhà máy điện chuẩn với số giờ vận hành công suất cực đại; 

Sửa đổi suất tiêu hao nhiên liệu tinh và giá nhiên liệu chính.

Trình tự đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện

Trong thời hạn 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện của Chủ đầu tư, Bên mua có trách nhiệm tổ chức đàm phán hợp đồng mua bán điện với Bên bán. 

Sau khi kết thúc đàm phán hợp đồng mua bán điện, Hai bên thống nhất và có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực kiểm tra hợp đồng mua bán điện kèm theo hồ sơ quy định. 

Trong thời hạn 5 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra hợp đồng mua bán điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và có văn bản yêu cầu Bên mua và Bên bán bổ sung các tài liệu còn thiếu theo quy định. 

Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra hợp đồng mua bán điện hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra và có ý kiến về hợp đồng mua bán điện

Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày có ý kiến kiểm tra hợp đồng mua bán điện, Hai bên có trách nhiệm ký chính thức hợp đồng mua bán điện. Trường hợp quá thời hạn quy định mà Cục Điều tiết điện lực chưa có ý kiến đối với hợp đồng mua bán điện, Hai bên được phép ký chính thức hợp đồng mua bán điện theo các nội dung đã thỏa thuận. 

Trình tự đàm phán, kiểm tra hợp đồng mua bán điện
Trình tự đàm phán, kiểm tra và ký hợp đồng mua bán điện

Thông tư 57/2020/TT-BCT nêu rõ, đối với các hợp đồng mua bán điện đã ký kết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, Hai bên tiếp tục thực hiện Hợp đồng mua bán điện đã ký đến hết thời hạn hợp đồng.

Đối với các dự án điện đã ký kết Hợp đồng mua bán điện theo phương pháp quy định tại Thông tư 56/2014/TT-BCT, Thông tư 51/2015/TT-BCT và các dự án điện mới khởi công trước ngày 19/9/2017, khi có Vốn đầu tư quyết toán các bên có quyền đề nghị được thực hiện tính lại giá điện theo Vốn đầu tư quyết toán được duyệt theo quy định tại Thông tư này. 

Đối với các nhà máy điện đã khởi công, chưa kết thúc đàm phán giá hợp đồng mua bán điện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được phép đàm phán sau ngày khởi công theo phương pháp quy định tại Thông tư này. 

Thông tư 57/2020/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 22/2/2021 và thay thế các Thông tư 56/2014/TT-BCT; Thông tư 51/2015/TT-BCT ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2014/TT-BCT ngày 2/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thông tư 56/2014/TT-BCT. 

Đồng thời, bãi bỏ Điều 1 Thông tư 13/2017/TT-BCT ngày 3/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2014/TT-BCT; Thông tư 30/2014/TT-BCT quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thông tư 57/2014/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện;

Bãi bỏ Điều 134 và Phụ lục 5 Thông tư 45/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2014/TT-BCT.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh về Bộ Công Thương để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Thy Thảo