Để đạt được các mục tiêu này, ngày 11 tháng 4 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định số 11). Thực hiện Quyết định số 11, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư). Thông tư gồm 5 Chương, 22 Điều, quy định cụ thể về: (i) quy hoạch và phát triển dự án điện mặt trời; (ii) giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà; (iii) hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (nối lưới và mái nhà); (iv) trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư gồm: (i) Nội dung đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh; (ii) Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dung cho các dự án điện mặt trời nối lưới; (iii) Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà.
Thông tư quy định các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30 tháng 6 năm 2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm. Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá nêu trên. Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất v..v.. theo quy định hiện hành.
Việc ban hành Thông tư giúp minh bạch hóa thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời, bổ sung công suất cho hệ thống điện, từng bước tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.