Từ các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ: Dự báo một năm chuyển mình mạnh mẽ

Các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng nói riêng và của nền kinh tế nói chung sẽ sớm được tháo gỡ, môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ thay đổi tích cực… Đó là những nhận định của các chuyên gia về các nghị quyết và chỉ thị mới đây, thể hiện một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong thúc đẩy nhanh phục hồi kinh tế vĩ mô và vi mô.

 Tinh thần Chính phủ quyết liệt ngay từ đầu năm

Tại Chỉ thị 01 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; tập trung đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công xây dựng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công an, các địa phương có giải pháp để chấn chỉnh lại toàn bộ việc cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trước đó, trong những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng đã có chuyến công tác "xuyên Việt, xuyên Tết" để kiểm tra, đốc thúc, tìm hiểu tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Xông xáo, thực tiễn, quyết liệt và trí tuệ là những ấn tượng về những hoạt động của Thủ tướng ngay những ngày đầu tiên của năm mới", trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Lê Duy Bình chia sẻ và cho rằng, trực tiếp có mặt tại hiện trường, lắng nghe địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu của các công trình trọng điểm, Thủ tướng đã khích lệ khí thế làm việc ngay từ những ngày đầu năm.

Nắm bắt tình hình thực tiễn, Thủ tướng đã chỉ đích danh những hạn chế đang gây cản ngại đối với quá trình triển khai các dự án và công trình trọng điểm, và khái quát, tổng hợp thành những vấn đề mang tính thể chế, chính sách hiện đang là điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư công, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng.

Tinh thần quyết liệt của Thủ tướng dự báo một năm chuyển mình mạnh mẽ về đầu tư công, về tốc độ và chất lượng thực hiện các công trình trọng điểm, cũng như về kỷ luật, phong cách làm việc của các địa phương, bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu...

Tinh thần này cũng sẽ góp phần đẩy nhanh những điều chỉnh về quy định pháp luật nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ thay đổi tích cực

Theo ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, ngay sau chuyến đi đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Các đầu việc có tên cụ thể đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương với thời hạn rõ ràng.

Thông điệp cho thấy, doanh nghiệp có thể an tâm triển khai các kế hoạch đầu tư trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để tin rằng, môi trường kinh doanh năm nay sẽ có những thay đổi tích cực, hậu thuẫn cho các kế hoạch phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.

Chỉ thị 01 cũng đề cập việc Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ. "Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích thích đầu tư nước ngoài, bởi khi chúng ta ưu đãi thuế và phí sẽ giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt các nguyên liệu đầu vào cũng có thể được giảm trực tiếp, giúp cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tích cực trong năm tiếp theo", ông Mạc Quốc Anh nói.

Có thể nói, với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi trong năm 2022 và tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Bước đệm phục hồi phát triển kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ là hành động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, từ đó từng bước phục hồi phát triển kinh tế.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Hiện việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng hóa có hóa đơn chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Trong khi đó, hệ thống chợ truyền thống, tạp hóa... chưa có mức giảm rõ nét, do vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát để người tiêu dùng được hưởng những ưu đãi này khi mua sắm tại hệ thống chợ truyền thống. 

Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thuế VAT đánh trên toàn bộ các mặt hàng, từ sản xuất đến tiêu dùng, nên việc giảm thuế sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ sẽ giảm theo. 

"Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, 'cứu' nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp kinh tế tăng trưởng. Đây là chính sách cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do COVID-19", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Có thể thấy, hiện trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị có đến 90-95% là hàng Việt, việc giảm thuế VAT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ không phải tăng giá thành sản phẩm, qua đó khuyến khích người dân tiêu thụ hàng Việt.

Ngoài ra, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước phục hồi và mở rộng sau dịch COVID-19.