Tư tưởng tạo thuận lợi cho nhân dân mưu cầu hạnh phúc của Bác Hồ

Sau Cách mạng Tháng 8, với tư cách là người đứng đầu nhà nước, Bác đã đưa ra nhưng tư tưởng rất cơ bản về xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hướng về nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân làm giàu và mưu cầu hạnh phúc.
Bác Hồ trồng cây tại Đồi Vật Lại, Ba Vì
Bác Hồ trồng cây tại Đồi Vật Lại, Ba Vì

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Bác đã nói rõ rằng, Chính phủ này là một Chính phủ hành động vì quyền lợi của dân chúng.

Bác đã đưa ra 6 nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất với người dân lúc đó: chống giặc đói; xóa nạn mù chữ; bầu cử Quốc hội và soạn thảo Hiến pháp; phải xóa bỏ những tiêu cực như tham lam, gian giảo, lười biếng; xóa bỏ những khoản thuế vô lý; thực hiện tự do tín ngưỡng.

Một Chính phủ liêm chính là điểm khởi đầu cho một Chính phủ hành động, kiến tạo và phục vụ nhân dân. Có liêm, có chính thì mới có được lòng dân, mới huy động được sức dân để làm giàu cho nước, cho dân.

Do đó, trong những năm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đặc biệt quan tâm đến xây dựng Chính phủ từ Trung ương đến Ủy ban nhân dân các làng xã phải thực sự liêm chính, được lòng dân. Với bút danh Chiến Thắng, Bác viết bài “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên báo Cứu quốc, số 46, ra ngày 19/9/1945.

Trong đó, Bác đưa ra phương châm tổng quát của Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

3 tuần sau đó, ngày 12/10 Người viết tiếp bài báo “Sao cho được lòng dân”. Mở đầu bài báo, Bác nêu tình hình chung: “Ta nhận thấy xung quanh các ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn, oán than nhiều hơn tiếng người khen”.

Sau đó Bác chỉ ra nguyên nhân: Đó là do “các ông chủ tịch, các ông ủy viên” ngông nghênh, cậy quyền, lạm dụng, ăn chơi xa hoa… làm cho dân ghét.

Cuối cùng, Người chỉ cách lấy lại niềm tin người dân: “Muốn được dân yêu mến, muốn được lòng dân thì hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ta phải đặc biệt chú ý”.

Bên cạnh việc phê phán những thói hư tật xấu, cổ vũ tinh thần tận tụy vì dân của đội ngũ công chức, Bác dành nhiều thời gian viết thư gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, các xã hướng dẫn cách thức làm việc.

Trong đó, Người phê phán hàng loạt những biểu hiện không chuyên nghiệp như:  kế hoạch làm việc sơ sài, phân công không đúng người, đúng việc; thi hành mệnh lệnh một cách cứng nhắc; thụ động, chờ đợi thượng cấp; không tính toán công việc dài hơi…

Người ngồi đó với cây chì đỏ/ Vạch đường đi từng bước từng giờ
Người ngồi đó với cây chì đỏ
Vạch đường đi từng bước từng giờ

Song điều Bác tâm huyết nhất trong việc điều hành một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân là công tác kiểm tra.

Sau khi đi kiểm tra tình hình hoạt động của Đảng bộ, chính quyền ở một số địa phương, Bác đã viết hai bức thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và Trung Bộ.

Trong thư, Người chỉ rõ rằng, bên cạnh những cố gắng còn nhiều yếu kém: địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt quan liêu, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ kiêu ngạo.

Người yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra ở địa phương để khắc phục những khuyết điểm, phát triển các ưu điểm.

Về mục đích của công kiểm tra, Bác viết: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”

Bác phê phán những địa phương nhận thức chưa đầy đủ về công tác kiểm tra: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hiện đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra.

Đó là một sai lầm rất to. Vì thế “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”.

Bác nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm tra: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra.

Điều quan trọng nhất của công tác kiểm tra, theo Bác là phải xem xét: “dân chúng có ra sức tham gia hay không”. Nếu dân chúng ra sức tham gia, thì chủ trương của các ủy ban nhân dân là đúng và ngược lại.

Trong tư tưởng của Người, phê phán đạo đức của công chức, cổ vũ tinh thần tận tụy hay thúc đẩy công tác kiểm tra cũng đều là hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Thủy Tạ