Ngày 11/8, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị “Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị.
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối; đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Đảng ủy Khối và các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối. Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; lãnh đạo các ban, đơn vị Đảng ủy Khối; thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Đảng ủy Khối; Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các đảng ủy trực thuộc.
Chuyển biến rõ nét trong việc tạo thói quen dùng hàng Việt
Báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2020 – 2022 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chí Hồ Xuân Trường – Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Đảng ủy Khối cho biết, sau 3 năm tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đảng ủy trực thuộc đã xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác năm, cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động thành những việc làm thiết thực.
Đảng ủy Khối đã ban hành 12 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc đẩy mạnh triển khai thực hiện Cuộc vận động; chỉ đạo xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm việc triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Đảng ủy Khối về thực hiện Cuộc vận động.
Cuộc vận động được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối triển khai hiệu quả thiết thực, làm chuyển biến rõ nét về việc tạo thói quen dùng hàng Việt, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; mở rộng thị trường, đặc biệt các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thể hiện tốt vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, bưu chính viễn thông, tiền tệ, tín dụng chính sách xã hội... Với những kết quả đạt được thông qua Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong những năm vừa qua.
Từ năm 2020 đến nay toàn Khối có 170.820 công trình, sáng kiến, giải pháp từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trị giá gần 711.400 tỷ đồng; tiết kiệm, làm lợi cho doanh nghiệp, đơn vị hàng nghìn tỷ đồng. Đã có 191.331 dự án, công trình, sản phẩm, dịch vụ thuộc 20/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối sử dụng vật tư, nguyên liệu trong nước trong mua sắm, đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào, với tổng giá trị hơn 944 nghìn tỷ đồng.
“Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, trong 3 năm (2020-2022), có 24/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng”, đồng chí Hồ Xuân Trường thông tin.
Tích cực hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho biết, Thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã được Bộ Công Thương lần đầu phát động tại Lễ ký kết “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” vào năm 2012 nhằm mục tiêu góp phần thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tại Lễ ký kết này, 16 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã ký Thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng công ty ký kết Bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các bên cam kết ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa, dịch vụ của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh do các bên sản xuất được; đồng thời tạo điều kiện tối đa để phối hợp, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, phù hợp với năng lực của từng bên, với quy định pháp luật hiện hành và định hướng phát triển chung của mỗi doanh nghiệp. Việc hợp tác dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng các lợi ích của từng tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên và phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo Thứ trưởng, Thỏa thuận đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các tập đoàn, tổng công ty với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, cũng góp phần giảm tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; và tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty tại thời điểm đó.
Sau Lễ ký kết, các tập đoàn, tổng công ty, công ty tiếp tục phối hợp, ưu tiên ký kết các thỏa thuận với nhau khi có nhu cầu. Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chương trình, ban hành các văn bản có tác động tích cực, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thực hiện tốt Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.
Theo báo cáo của các Đảng ủy trực thuộc, từ năm 2020 đến nay, đã có 191.331 dự án, công trình thuộc 13/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối sử dụng vật tư, nguyên vật liệu trong nước trong mua sắm, đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào, với tổng giá trị gần 944.096,638 tỷ đồng.
“Việc triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng như thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã mang lại hiệu quả thiết thực như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam bền vững; tăng tỷ lệ hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối… Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94-96%; tại chợ truyền thống đạt 60-70%... Cuộc vận động rõ ràng đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 về phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động.
Sau 6 năm triển khai trên phạm vi cả nước, Đề án 634 đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu tổng quát “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam”.
Cùng với kết quả của giai đoạn 2014-2020, Đề án giai đoạn 2021-2025 cũng hướng tới mục tiêu góp phần phát triển thị trường trong nước, tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, từ đó thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất - người tiêu dùng, trung ương - địa phương, doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Đề án cũng có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới và thách thức của hội nhập kinh tế thế giới cũng như những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Phối hợp, nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động
Trong thời gian tới, để góp phần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động cũng như thực hiện mục tiêu của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo các tổ chức Đảng trực thuộc tăng cường triển khai Cuộc vận động theo Kết luận 107-KL/TW ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động, Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới.
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để triển khai các hoạt động như tiếp tục tham gia các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới.
Tích cực triển khai các nội dung của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 như Chương trình truyền thông; Chương trình nâng cao năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối Việt Nam, kết nối sử dụng hàng hóa dịch vụ của nhau giữa các doanh nghiệp.
Đặc biệt, tham gia hưởng ứng Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; Doanh nghiệp lớn đầu mối gắn kết, hỗ trợ với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân tạo ra hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam giúp người tiêu dùng nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.
Phát huy lòng yêu nước, nét đẹp văn hóa doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đánh giá cao những kết quả Đảng ủy Khối đã đạt được trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng trong Khối thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và triển khai thực hiện Cuộc vận động bài bản, khá căn cơ và tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ đó, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối tiếp tục được duy trì và phát triển, năng lực quản trị doanh nghiệp và sức cạnh tranh được nâng lên; vốn, tài sản Nhà nước được bảo toàn và gia tăng; đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động; đóng góp lớn cho công tác an sinh xã hội hàng năm, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp Nhà nước góp phần thúc đẩy, dẫn dắt đối với các thành phần doanh nghiệp khác trong thực hiện Cuộc vận động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, của Chính phủ về Cuộc vận động; đặc biệt là Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, người lao động và toàn thể đoàn viên công đoàn trong toàn Khối ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân; các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công, trang thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm trong nước sản xuất… coi đó là thể hiện lòng yêu nước, là nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần triển khai các chương trình hợp tác, trao đổi với các đơn vị trong và ngoài Khối, đồng thời thường xuyên cập nhật và công bố thông tin về tiêu chuẩn, giá cả, chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước đến công chúng, cán bộ, công nhân viên, nhất là những loại hàng hóa, sản phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống người lao động như: lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu…
"Phải xác định Cuộc vận động muốn thành công thật sự thì chất lượng hàng hóa, dịch vụ phải được nâng lên, phù hợp với thị hiếu người Việt; đồng thời giá cả phải cạnh tranh tương đương với hàng hóa dịch vụ khác, chính sách hậu mãi phải tạo tiện lợi cho người tiêu dùng. MTTQ Việt Nam luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các doanh nhân kiên quyết đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề xuất biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu; tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân có nhiều thành tích để lan tỏa và tạo nên sức mạnh của toàn dân trong triển khai Cuộc vận động.