Văn bản pháp lý đầu tiên khơi nguồn thu hút đầu tư nước ngoài

Ngày 18 tháng 4 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trên nguyên tắc các bên cùng có lợi, không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế, xã hội. Đó là văn bản pháp lý đầu tiên có tác dụng khơi nguồn thu hút đầu tư nước ngoài, tạo xung lực mới cho hoạt động kinh tế đối ngoại của đất nước.
Đầu tư nước ngoài
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Đỗ Mười cùng đại diện Vương quốc Thụy Điển cắt băng khánh thành Nhà máy Giấy Bãi Bằng, ngày 26/11/1982. (Ảnh: TTXVN)

Điều lệ về đầu tư nước ngoài

Để tranh thủ nguồn vốn đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam đã chủ động tham gia vào sự hợp tác và phân công lao động quốc tế, trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1977, Chính phủ Việt Nam quyết định tham gia Ngân hàng Đầu tư quốc tế và Ngân hàng Hợp tác quốc tế thuộc Hội đồng Tương trợ Kinh tế.

Tháng 7/1978 tại khóa họp thứ 32 của Hội đồng Tương trợ Kinh tế, Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức quốc tế này với tư cách thành viên chính thức. Hội đồng Tương trợ Kinh tế đã dành cho nhân dân ta những điều kiện thuận lợi và sự ưu đãi để xây dựng và phát triển kinh tế.

Tiếp theo sự kiện gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế, ngày 03/11/1978 Chính phủ ta và Chính phủ Liên xô (trước đây) ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác kinh tế dài hạn 10 năm. Sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đó là hết sức to lớn.

Cùng với việc ký các hiệp ước hữu nghị và hợp tác với nhiều nước xã hội chủ nghĩa, ngày 18/4/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên nguyên tắc các bên cùng có lợi, không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế, xã hội. Bản điều lệ qua nhiều năm thi hành đã được bổ sung và sửa đổi. Đó là văn bản pháp lý đầu tiên có tác dụng khơi nguồn thu hút đầu tư nước ngoài, tạo xung lực mới cho hoạt động kinh tế đối ngoại của đất nước.

Đề xuất thu thuế doanh nghiệp

Những năm 1976 - 1978, tình hình kinh tế đối ngoại nói chung và ngoại thương nói riêng diễn ra tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, từ cuối năm 1978 trở về sau, tình hình diễn biến có nhiều khó khăn phức tạp. Mỹ và một số nước thực hiện chính sách cấm vận, bao vây kinh tế; nhiều nước ngừng viện trợ và đầu tư vào Việt Nam, ngừng các khoản tín dụng đã cam kết. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn có chiều hướng tăng, từ 222 triệu Rúp-USD năm 1976, tăng lên trên 300 triệu Rúp-USD trong 4 năm tiếp theo, 1977 đạt 322,5 triệu, 1978 đạt 326,9 triệu, 1979 đạt 320,5 triệu, và 1980 đạt 338,6 triệu Rúp-USD. Mặc dù vậy, đây vẫn là giai đoạn nhập siêu, mỗi năm thâm hụt hoảng 800 triệu đến gần 1 tỷ Rúp-USD.

Những năm này, Bộ Ngoại thương (tiền thân của Bộ Công Thương) có nhiều đóng góp trong thời kỳ tiền Đổi mới. Đầu những năm 1980, Bộ Ngoại thương đề xuất cho thu thuế doanh nghiệp, thuế nhà đất, thuế dịch vụ (như vận tải, sửa chữa có khí...) thay cho hình thức “thu quốc doanh”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đồng ý, và cử Bộ trưởng Ngoại thương Lê Khắc làm trưởng ban, có sự tham gia của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Hải quan.

Bộ Ngoại thương cử một số Vụ trưởng: Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Vụ 2, Văn phòng Bộ và ông Trần Đức Minh (sau này làm Thứ trưởng Bộ Thương mại) làm công tác thu thập thông tin về chế độ thuế của các nước. Trải qua thời gian dài tranh luận đã được Chính phủ chuẩn y, cho áp dụng, đã giúp tăng thu ngân sách Nhà nước hơn 40%.

Đào Mạnh Đức