Lấp đầy khoảng trống
Đặc sản vùng miền có ở khắp nơi trên đất nước ta. Nhưng miền núi là nơi được đất trời ưu đãi sản sinh ra đặc sản vùng miền xanh và sạch, với những kỹ năng, bí quyết truyền thống hàng trăm năm của các cư dân bản địa. Và quý báu hơn, sản phẩm ở đây không chỉ là sản phẩm mà còn gắn với các tích truyện, gắn với những truyền thống văn hóa tập tục - điều làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại.
Có những doanh nghiệp và hộ nông dân miền núi khai thác tốt những lợi thế này. Như bánh tam giác mạch Hà Giang, mận Bắc Hà (Lào Cai), miến dong Na Rì (Bắc Cạn), bún đỏ Đắk Lắk, cà phê chồn Gia Lai, trà shanam Tà Xùa (Sơn La)…
Nhưng đó là những doanh nghiệp và hộ nông dân tiên phong, còn nhìn chung rất nhiều sản phẩm xanh và sạch, chứa đựng những bí quyết canh tác, chế biến có tuổi đời hàng trăm năm chưa được khai thác ở quy mô sản xuất hàng hoá.
Để lấp đầy khoảng trống này, Bộ Công Thương có nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vào các hệ thống phân phối từ truyền thống là các chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa, đến các hệ thống phân phối hiện đại. Đặc sản miền núi luôn chiếm những vị trí trang trọng, dễ tiếp cận người tiêu dùng nhất.
Hàng chục năm qua, rất nhiều hoạt động được lồng ghép vào các Chương trình và Đề án phát triển kinh tế xã hội, kết nối hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy để tiêu thụ hàng hóa đồng cho đồng bào dân tộc miền núi.
Được biết đến nhiều nhất là 4 Chương trình do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành mang tầm quốc gia.
Một là, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với những hoạt động về hội chợ, các chuyến hàng quảng bá sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, những lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và hộ nông dân miền núi, nhất là với các xã khu vực II (xã còn khó khăn), xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn).
Hai là, Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương đã kết nối đặc sản vùng miền bảo đảm an toàn thực phẩm, được canh tác theo những phương pháp thuận theo tự nhiên, được chế biến bằng những cái phương pháp truyền thống vào những hệ thống phân phối lớn và được người tiêu dùng ở những đô thị tại Việt Nam hết sức đón nhận. Điển hình Tuần lễ xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại Big C – Thăng Long; Tuần lễ nông sản, thực phẩm tỉnh Hoà Bình tại hệ thống Co.opmart; Tuần hàng Việt Nam tại Hệ thống Siêu thị AEON…
Ba là, Chương trình khuyến công quốc gia. Theo đó, các hộ sản xuất, kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư thiết bị máy móc ở quy mô nhỏ được nhận vốn từ cơ quan quản lý nhà nước xét duyệt và cung cấp. Thông qua Chương trình này, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất những sản phẩm hàng hóa rất đặc trưng đặc thù của đồng bào dân tộc miền núi, bảo đảm chất lượng, vệ sinh toàn thực phẩm và có mẫu mã bao bì hấp dẫn với người tiêu dùng tại các đô thị lớn; như Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ cụm máy móc trong sản xuất miến dong tại xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) và hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến cà phê bột tại Công ty TNHH cà phê Đại Bách (xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng).
Bốn là, Chương trình mà phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015 và tiếp tục giai đoạn hai đến năm 2025 cũng đã phát huy nhiều hiệu quả. Là cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình này, Bộ Công Thương qua các năm đã phối hợp và cấp kinh phí cho một số địa phương triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang.
Đưa đặc sản vùng miền đi xa
Qua đó tìm kiếm giải pháp trong việc hình thành chuỗi cung ứng đặc sản vùng miền, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững, tạo điều kiện cho đặc sản vùng miền của bà con dân tộc miền núi vào hệ thống phân phối trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, tại các hội nghị kết nối giao thương có sự tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá đặc sản vùng miền, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu vùng xa như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bến Tre, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, An Giang, Long An, Kiên Giang…
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối về xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản là đặc sản vùng miền của hai bên gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giao lưu tìm hiểu đối tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa là lợi thế phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa.