Bài viết dưới đây được lược dịch từ bài "Why the United States and China need to end the trade war?" (Vì sao Hoa Kỳ và Trung Quốc cần sớm chấm dứt chiến tranh thương mại?) của Giáo sư Ligang Song - hiện đang giảng dạy và là Giám đốc Chương trình Kinh tế Trung Quốc tại Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia.
Cuộc đối đầu thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dần trở thành một cuộc chiến dai dẳng và tốn kém và có những lý do thuyết phục để cả hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới cần chấm dứt chiến tranh thương mại càng sớm càng tốt.
Chiến lược áp đặt thuế quan lên hàng hoá – dịch vụ Trung Quốc của Hoa Kỳ không phải là công cu hữu hiệu để đối phó với sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ - Trung Quốc. Sự mất cân bằng thương mại của Hoa Kỳ chủ yếu mang yếu tố cấu trúc và bắt nguồn từ sự chênh lệnh giữa hai quốc gia, giữa một bên có thăng dư mậu dịch nhưng tiết kiệm quá mức sô với đầu tư và tiêu dùng với một bên bị thâm hụt thương mại nhưng đầu tư và tiêu dùng quá mức. Để giảm sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại, hai quốc gia phải có những thay đổi lớn về mặt cấu trúc. Cụ thể, Trung Quốc cần mở rộng danh mục nhập khẩu và tăng cường thúc đẩy tiêu dùng nội địa; trong khi đó, Hoa Kỳ cần gia tăng tiết kiệm và giảm tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng chiến lược đáp trả thuế quan ăn miếng trả miếng của Hoa Kỳ sẽ bóp méo mạnh hoạt động sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế nước này. Khoản thu được từ việc áp thuế lên Trung Quốc chỉ có thể bù đắp phần nào tổn thất cả các doanh nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ. Tổn thất mà các doanh nghiệp sản xuất nước này phải gánh chịu sẽ tăng lên khi thuế quan được mở rộng áp đặt cho tất cả các loại hàng hoá, bao gồm các hàng hoá trung gian.
Về cơ bản, Hoa Kỳ đã hiểu sai nguyên nhân và đánh giá sai hệ quả của tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nền kinh tế lớn nhất thế giới không nhận ra rằng đã xuất hiện sự tái cân bằng quy mô toàn cầu để đối phó với những vấn đề mang tính cấu trúc bên dưới đã xảy ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cấu năm 2008.
Theo xu hướng tái cân bằng toàn cầu này, tỷ trọng xuất khẩu trên GDP của Trung Quốc đã giảm từ 35% năm 2006 xuống khoảng 17% vào năm 2018; trong khi đó, mức đóng góp của tiêu dùng vào GDP đã tăng lên mức 76% trong năm 2018. Thặng dư tài khoản vãng lai so với GDP đã giảm từ 11% năm 2007 xuống dưới 1% vào năm 2018. Cùng với dân số già hóa nhanh và tỷ suất tiết kiệm giảm, xu hướng này sẽ tiếp tục góp phần hướng tới một mức cân bằng thương mại.
Nếu nhìn từ góc độ này, sự mất cân bằng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một hiện tượng nhất thời hơn là kéo dài vĩnh viễn. Chống lại sự mất cân bằng thương mại bằng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan đơn giản là không đem lại lợi ích kinh tế cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Dù các chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng của Hoa Kỳ đã có hiệu quả trong giai đoạn 2018 và 2019, tăng trưởng đã giảm dần kể từ quý 2/2019 cùng với đó là suy giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư. Trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Hoa Kỳ đã giảm 12%; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc giảm 19%. Tổng giá trị thương mại song phương Hoa Kỳ - Trung Quốc giảm 14%. Trong nửa đầu năm 2019, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ thực tế đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018 và khoảng cách thương mại giữa hai nước đã tăng thêm 7,9%.
Do đó, việc theo đuổi chiến tranh thương mại với Trung Quốc về cơ bản không giải quyết được vấn đề mất cân bằng thương mại song phương Hoa Kỳ - Trung Quốc, thậm chí chiến lược này sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế trong nước đối với Hoa Kỳ.
Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, phần lớn những điều đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ đều liên quan đến mở cửa thị trường như quyền thâm nhập thị trường đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ, chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách doanh nghiệp nhà nước và phát triển khu vực tư nhân.
Mặc dù có những lo ngại liệu Trung Quốc có thực sự tuân thủ các quy tắc và tinh thần của hệ thông thương mại đa phương hay không, các biện pháp cải cách này và quá trình chuyển đổi kinh tế cũng như những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc để bù đắp những gì còn thiếu từ khi nước này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001 có thể được xem như động thái của nước này hướng đến việc tiếp cận dưới góc độ đa phương hơn.
Trong thế giới hội nhập ngày nay, một quốc gia không thể phát triển bằng việc cô lập mình khỏi hệ thống thương mại quốc tế, dòng vốn và các công nghệ tiên tiến hơn – khiến cho hàm ý “tách rời” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như là điều khó xảy ra. Một sự thật là Hoa Kỳ khó có thể đạt được sự thịnh vượng nhờ xây một bức tường thuế quan cao và Trung Quốc không thể tái cơ cấu thành công mô hình tăng trưởng kinh tế và phát triển mà không cần dựa vào các thị trường toàn cầu hoặc công nghệ.
Tốc độ tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế lớn và mới nổi đã bắt đầu giảm tốc, và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện là một khả năng thực sự. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong cả năm 2020. Kết thúc chiến tranh thương mại là một bước đi khẩn thiết và quan trọng hướng tới khôi phục thương mại như là một động lực cho tăng trưởng, và, tùy thuộc vào cách mà nó kết thúc, cuộc chiến thương mại có thể đem lại một kết quả có lợi cho cả Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vốn đã sâu sắc của hệ thống thương mại đa phương, WTO vẫn tiếp tục cung cấp một hệ thống dựa trên các quy tắc và hệ thống này cần được duy trì và củng cố. Các vấn đề riêng của WTO cần được giải quyết thông qua cải cách, đồng thời cần tìm ra giải pháp cho khả năng rất thực tế có thể xảy ra là cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO sẽ bị tê liệt hoàn toàn nếu Hoa Kỳ tiếp tục chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán vào bộ phận giải quyết tranh chấp.
Cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên mặt trận thương mại đã dần lan sang các lĩnh vực khác như công nghệ, tiền tệ và địa chính trị. Những cuộc đối đầu này có thể làm lung lay nền tảng của các thể chế toàn cầu và khu vực vốn đã được xây dựng từ Thế chiến II, dẫn đến một thế giới vô cùng bất định.