Hãng tin Reuters cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia với mức thuế suất lên tới 80,5% bắt đầu từ ngày 19/5. Mức thuế này gồm 73,6% thuế suất thuế chống bán phá giá và 6,9% thuế suất thuế chống trợ cấp.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đây quyết định áp thuế nêu trên được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài từ năm 2018 và có các dấu hiệu cho thấy Chính phủ Australia đã có các khoản trợ giá, gây nguy hại lớn đến ngành sản xuất của Trung Quốc. Thông tin về việc Trung Quốc áp thuế cao lên mặt hàng lúa mạch của Australia đã bắt đầu xuất hiện từ tuần trước. Mức thuế cao dự kiến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu lúa mạch từ Australia sang thị trường Trung Quốc.
Australia hiện là đối tác cung ứng lúa mạch hàng đầu cho Trung Quốc với lượng xuất khẩu trung bình năm lên tới 1,3 tỷ USD. Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ lúa mạch lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng lượng lúa mạch xuất khẩu hàng năm của của Australia.
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham bày tỏ "rất thất vọng" về việc Trung Quốc áp thuế đối với sản phẩm lúa mạch của nước này. Ông cũng khẳng định Australia không hề trợ cấp hay bán phá giá lúa mạch tại thị trường Trung Quốc. Ông Simon Birmingham đã yêu cầu tổ chức điện đàm cấp cao với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn để thảo luận về vấn đề này nhưng Trung Quốc đã từ chối yêu cầu.
Trong tuần trước, Trung Quốc đã dừng nhập khẩu thịt bò từ 4 doanh nghiệp của Australia với lý do vi phạm các lỗi kỹ thuật về chứng nhận nhãn mác và chứng nhận thú ý trong tuần trước. 4 doanh nghiệp này của Australia đều là những doanh nghiệp cung ứng thực phẩm lớn tại Trung Quốc, chiếm 35% tổng lượng thịt bò được Australia xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia đang ngày càng tăng trong thời gian gần đây khi Chính phủ Australia kiên quyết kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 vốn khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc và khẳng định cuộc điều tra này không cần thiết. Hiện đã có 116 quốc gia ủng hộ việc cần thiết có một cuộc điều tra quốc tế độc lập về đại dịch Covid-19.
Trung Quốc khẳng định các động thái thương mại gần đây không liên quan đến căng thẳng chính trị giữa 2 quốc gia về cuộc điều tra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước đó một nhà ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hoá của Australia vì các cáo buộc “không có căn cứ”. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tuyên bố việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt bò là “lời cảnh tỉnh” đối với Australia vì các hành động không thân thiện.
Đầu năm 2020, Trung Quốc đã tạm ngưng nhập khẩu một số sản phẩm thuỷ sản từ Australia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát rộng tại nước này; khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản Australia gặp khó khăn với lượng sản phẩm dư thừa tăng mạnh.
Trong năm 2017, Trung Quốc cũng đã cấm nhập khẩu sản phẩm thịt từ 6 công ty của Australia với lý do các doanh nghiệp này vi phạm quy định về bao bì và nhãn mác. Australia và Trung Quốc đã mất nhiều tháng để giải quyết cuộc khủng hoảng này qua các kênh ngoại giao cao cấp.