Một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Cung cấp năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện một cách đầy đủ và tin cậy không chỉ cần thiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn cần thiết cho sự ổn định về chính trị. Sự thiếu hụt năng lượng

 

Điện hạt nhân đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng thế giới. Phát triển điện hạt nhân còn là biện pháp tốt để giảm bớt khí thải các-bon ra môi trường. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến 12/2007, đã có 32 quốc gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất gần 370 nghìn MW (chiếm hơn 16% tổng sản lượng điện trên thế giới, dự báo năm 2050 tỷ lệ này là 19%). Các nước có tỉ trọng điện hạt nhân cao như Pháp là 78%, Hàn Quốc là 42%, Nhật Bản là 36%; nhiều nước có chương trình tăng đầu tư cho điện hạt nhân như Mỹ (dự kiến đến 2020 sẽ tăng thêm 50 nghìn MW), Trung Quốc (tổng công suất đạt 40 nghìn MW vào năm 2020), ấn Độ (tăng công suất 10 lần vào năm 2022 so với hiện tại); một số quốc gia khu vực Đông Nam á như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Phi-li-pin đã có kế hoạch phát triển điện hạt nhân vào năm 2015 - 2020.

Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng quốc tế thì than đá, mặc dù có trữ lượng tương đối phong phú, nhưng cũng chỉ khai thác được trong vòng 230 năm là cạn kiệt, dầu mỏ là 43 năm và khí thiên nhiên là 62 năm. Mặt khác, nguyên liệu hoá thạch tập trung chủ yếu ở khu vực Trung Đông, nơi có rất nhiều bất ổn về chính trị. Trong khí đó, nhiên liệu U-ra-ni-um nếu tái xử lý có thể sử dụng hằng ngàn năm, chưa kể đến Tho-ry (có trong nước biển) cũng có thể dùng làm nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân. Còn vấn đề sử dụng các dạng năng lượng mới và tái tạo như: Năng lượng gió, mặt trời, thuỷ triều, thuỷ điện tích năng, địa nhiệt, năng lượng sinh khối… cũng đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, trong một vài thập kỷ tới, các nguồn năng lượng này cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Theo dự báo của Tổ chức Năng lượng thế giới (IAEA) đến năm 2020, các nguồn năng lượng mới và tái tạo cũng chỉ có thể đáp ứng 2% - 5% tổng nhu cầu năng lượng của thế giới.

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với dân số thuộc loại lớn trên thế giới (85 triệu người) và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm từ 7% - 8%, thì việc đảm bảo an ninh trong cung cấp năng lượng và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ có vị trí quan trọng, nhằm duy trì sự tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an ninh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.

Theo Tổng Sơ đồ phát triển ngành Than giai đoạn 2001 - 2010 có xét tới 2020, tổng trữ lượng than đã tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng là 5,88 tỷ tấn. Nếu tính cả trữ lượng than chưa thẩm định thì than Anthracite có tổng trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn; vùng trũng Hà Nội có 14 vỉa than nâu, trữ lượng dự báo gần 37 tỷ tấn; trữ lượng than bùn toàn quốc có khoảng 7,1 tỷ m3. Quy hoạch khai thác than dự kiến sẽ đạt sản lượng toàn ngành từ 46 - 50 triệu tấn năm 2010, lên 50-55 triệu tấn năm 2020 và khoảng 59 - 66 triệu tấn vào năm 2025. Tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí có thể thu hồi của nước ta vào khoảng 3,8- 4,2 tỷ tấn quy dầu, trong đó trữ lượng đã được xác minh, có thể khai thác được khoảng 1,05 – 1,14 tỷ tấn với tỷ lệ khí đốt chiếm khoảng 60%. Quy hoạch khai thác đến năm 2020 là khoảng 20,7 triệu tấn dầu thô và 15,6 tỷ m3 khí, đến năm 2025 là 21,7 triệu tấn dầu thô và 16,5 tỷ m3 khí. Tiềm năng thủy điện nước ta có khoảng 75 - 80 tỷ kWh với công suất tương ứng là 18.000 – 20.000 MW. Giai đoạn từ năm 2021 - 2030, dự kiến khả năng khai thác thủy điện có thể đạt trên 72 - 80 tỷ kWh. Tiềm năng công suất các công trình thủy điện nhỏ được đánh giá khoảng gần 2.300 MW. Tuy nhiên, phát triển thuỷ điện sẽ ngày càng khó khăn hơn do vấn đề môi trường sinh thái và tái định cư. Ngoài ra, nước ta còn có tiềm năng khá dồi dào về năng lượng mới và tái tạo: Năng lượng địa nhiệt có thể đạt được công suất khoảng 340 MW; năng lượng mặt trời, gió có thể đạt công suất từ 400 MW – 600 MW và năng lượng sinh khối có thể đạt công suất từ 250 MW - 400 MW vào năm 2020.

Theo dự báo của Bộ Công Thương thì sau năm 2020, điện sản xuất từ các nguồn tài nguyên trong nước sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thiếu khoảng 228 tỉ kWh - 424 tỉ kWh và đến năm 2030 sẽ thiếu trầm trọng hơn, khoảng 677 tỉ kWh - 1.163 tỉ kWh. Vì vậy, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là cần thiết để góp phần chủ động khắc phục tình trạng thiếu điện, tiết kiệm các nguồn nguyên liệu hoá thạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển điện hạt nhân nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng; đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, dần tiến kịp các nước tiên tiến trong khu vực; góp phần tăng thêm tiềm lực khoa học, công nghệ, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Mặt khác, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, sau các sự cố điện hạt nhân tại một số quốc gia, thế giới đã chú trọng nhiều hơn đến việc nghiên cứu cải tiến công nghệ điện hạt nhân theo hướng an toàn, tự động để giảm thiểu rủi ro. Nước ta có nhiều cơ hội trong hợp tác quốc tế với các nước có công nghệ điện hạt nhân tiên tiến, hiện đại.

Phát triển điện hạt nhân ở nước ta là một vấn đề mới, vì vậy yêu cầu phải có sự chuẩn bị chu đáo với lộ trình và bước đi thích hợp. Việc triển khai xây dựng nhà máy phải trên tinh thần tích cực, khẩn trương, quyết liệt và an toàn. Một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển điện hạt nhân thời gian tới là:

1- Phát triển điện hạt nhân phải đáp ứng yêu cầu đã được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2007 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó: “Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, sau đó tăng nhanh tỉ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc”.

2- Để làm chủ được kỹ thuật, vận hành bảo đảm an toàn tuyệt đối, cần nhanh chóng triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực để sớm có đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có trình độ, kỷ luật cao trong vận hành nhà máy.

3- Tranh thủ thời cơ thuận lợi để nghiên cứu phát triển điện hạt nhân với sự lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các yêu cầu tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế.

4- Có quy hoạch, kế hoạch tổng thể sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu xây dựng các nhà máy và khu vực xử lý chất thải. Đặc biệt quan tâm xử lý chất thải phóng xạ trong thời gian 50 năm và sau 50 năm.

5- Xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải gắn liền với các cơ sở nghiên cứu và sử dụng năng lượng hạt nhân.

6- Có cơ chế huy động các nguồn vốn trong nước, ngoài nước và đa dạng hoá các nhà thầu trong chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy.

7- Đặc biệt coi trọng phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho nhà máy điện hạt nhân một cách toàn diện; xây dựng trung tâm ứng phó quốc gia về tình trạng khẩn cấp.

8- Khẩn trương trình Quốc hội thông qua Luật Năng lượng nguyên tử, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật. Nhanh chóng xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và những cam kết mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

9- Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác di dân tái định cư; có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương có nhà máy điện hạt nhân.

10- Cùng với việc phát triển và từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân, cần tiếp tục coi trọng các giải pháp tiết kiệm và áp dụng công nghệ mới trong sử dụng điện, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo.

11- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người cũng như cộng đồng quốc tế đối với chủ trương phát triển điện hạt nhân vì mục đích hoà bình của Đảng và Nhà nước ta.
  • Tags: