Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng

Đại diện Lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ trao đổi tình hình hợp tác năng lượng trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ.

năng lượng việt nam - hoa kỳ

Chiều ngày 30/8/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với ông David Turk, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nhằm trao đổi về tình hình hợp tác năng lượng theo nội dung đã được thỏa thuận trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã thông tin với Đoàn công tác Bộ Năng lượng Hoa Kỳ về cam kết của Việt Nam phát thải bằng 0 vào năm 2050 và trong ngành điện có sự chuyển đổi mạnh mẽ về chương trình phát triển điện lực của Việt Nam theo hướng giảm than, tăng năng lượng tái tạo.

thứ trưởng An
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại buổi làm việc

 

Thứ trưởng chia sẻ những điểm mới và các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, theo đó nâng công suất điện gió lên khoảng 16.000 MW trên bờ, gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

Bên cạnh phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam còn xem xét thực hiện chuyển dịch nguyên liệu của các nhà máy điện than nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đề cập các khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển năng lượng hướng tới các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam, trong đó thách thức lớn nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện. Cùng với đó là những khó khăn về công nghệ trong quá trình chuyển đổi năng lượng, khó khăn về tài chính, kinh nghiệm, nguồn nhân lực…

"Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050, ngoài nỗ lực của Việt Nam rất cần có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước phát triển, trong đó có sự hỗ trợ, hợp tác của Hoa Kỳ", Thứ trưởng cho biết.

năng lượng

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ David Turk cho biết, Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi cũng như trong lĩnh vực sản xuất hydro, lưu trữ năng lượng, lưới điện thông minh; trong đó tập trung hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi và sản xuất hydro.

Ngoài ra, đại diện Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng đề xuất sáng kiến Thế giới phát thải bằng 0, trong đó đề nghị hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các đơn vị nghiên cứu cũng như là các doanh nghiệp hai bên mà trước mắt phía Hoa Kỳ mong muốn làm việc với một số cơ quan hoạch định, tham mưu về quy hoạch năng lượng, quy hoạch điện lực nhằm trao đổi, đề xuất lộ trình để Việt Nam đạt được phát thải bằng 0.

thứ trưởng năng lượng hoa kỳ
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ David Turk

 

Trước đó, tại Đối thoại thường niên An ninh Năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 27 - 28/7/2022 tại Thủ đô Washington (Hoa Kỳ), đại diện hai Bên đã trình bày các vấn đề then chốt trong hợp tác năng lượng song phương bao gồm: sản xuất điện sạch, phát triển thị trường điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, truyền tải và lưu trữ năng lượng; vai trò của khí tự nhiên hoá lỏng và các bước cần thiết để chuyển đổi năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện của Việt Nam đạt 78,12 GW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN và là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về đầu tư vào các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời). Hệ thống truyền tải điện đã được đầu tư và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu về phụ tải.

Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, Việt Nam định hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ trọng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo lên 25% vào năm 2020, 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045. Đồng thời nâng cao tỷ trọng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo lần lượt là: 6% năm 2020; 22% năm 2030 và 52% năm 2045.

Việt Hằng