Vietsovpetro: Hành trình khai thác an toàn và liên tục hơn nửa tỷ m3 khí của mỏ Thiên Ưng

Mỏ Thiên Ưng thuộc Lô 04-3, bồn trũng Nam Côn Sơn, nằm ở phía Đông Nam mỏ Bạch Hổ, nơi có độ sâu 120 mét nước, cách bờ 270 kilomet. Trên diện tích lô này, công tác nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò đã bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ trước với 8 giếng khoan sâu do các công ty dầu khí nổi tiếng như Pecten, Agip, Occidental

Trên cơ sở thành công của giếng TU-3X, vào tháng 10 năm 2009, Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí đã được ký kết giữa Nhà nước Việt Nam với Tổ hợp nhà thầu gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty AO Zarubezhneft (Liên bang Nga). Cũng tại thời điểm trên, Thỏa thuận Điều hành chung giữa Tổ hợp các nhà thầu và Vietsovpetro đã được ký kết. Theo đó, Vietsovpetro được Petrovietnam và Zarubezhneft trao quyền điều hành công tác thăm dò, xây dựng, phát triển và vận hành mỏ tại Lô 04-3.

Khác với Lô 09-1, nơi Vietsovpetro hoạt động theo Hiệp định Liên Chính phủ, thì Lô 04-3 Vietsovpetro lại đóng vai trò người điều hành cho 2 Nhà đầu tư là Petrovietnam và Zarubezhneft.

Hạ thủy Khối thượng tầng Giàn BK-TƯ

Hạ thủy Khối thượng tầng Giàn BK-TƯ

Với trữ lượng ước tính hơn 5 tỷ m3 khí, dự án phát triển mỏ Thiên Ưng, Lô 04-3 là một trong nhiều dự án quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn khí tại khu vực bể Nam Côn Sơn, tạo cơ sở hạ tầng để kết nối, kích thích phát triển thăm dò, khai thác khu vực nước sâu xa bờ rộng lớn này trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Để giải quyết được bài toán phát triển, khai thác mỏ Thiên Ưng là một thử thách lớn về cả kinh tế, kỹ thuật và công nghệ.

Mỏ Thiên Ưng được xếp loại là mỏ nhỏ, cận biên, bao gồm 2 tầng chứa khí: nếu tầng chứa nông có điều kiện khai thác tương đối thuận lợi thì tầng chứa khí sâu, nơi chiếm hơn 1/2 trữ lượng lại có đặc điểm địa chất phức tạp, phân chia nhiều khối nhỏ, các giếng khoan thăm dò không khoan qua hết được.

Bên cạnh đó, tầng chứa khí này lại có dị thường áp suất, nhiệt độ cao, tỷ phần khí CO2 lên đến 10%,.. Không chỉ vậy, chi phí xây dựng công trình và khoan giếng trong điều kiện nước sâu (120m), xa bờ (270km) là rất lớn, để phát triển thương mại cho toàn dự án còn cần phải tìm ra được những giải pháp hợp lý về mặt kỹ thuật - công nghệ để giảm chi phí đầu tư xây dựng, khoan và vận hành.

Hạ thủy chân đế giàn BK-TƯ

Hạ thủy chân đế giàn BK-TƯ

Khó khăn và thách thức như vậy nhưng căn cứ trên các cơ sở khoa học, Petrovietnam đặt quyết tâm tìm mọi giải pháp tối ưu để triển khai dự án. Bởi tại thời điểm bấy giờ, nếu bỏ qua cơ hội kết nối và khai thác mỏ khí Thiên Ưng, Việt Nam sẽ mất đi một cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động thăm dò khai thác ở bồn trũng Nam Côn Sơn, nơi ngoài 2 cụm mỏ lớn là Lan Tây – Lan Đỏ và Hải Thạch – Mộc Tinh, các khu vực còn lại, theo các chuyên gia địa chất đều có tiềm năng thấp, trữ lượng nhỏ.

Để lôi kéo các công ty nước ngoài đầu tư vào công tác thăm dò cần phải phát triển khai thác một mỏ nhỏ đột phá, xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể phát triển các mỏ nhỏ khác. Thực tế đã cho thấy, quyết định đưa mỏ Thiên Ưng vào khai thác đã kéo theo hàng loạt hợp đồng dầu khí ở các Lô 11-2/11, 12/11, 05-1B, … được ký kết sau đó. Đây là thắng lợi lớn nhất, không nhìn thấy được nếu chỉ tiếp cận các số liệu khô khan về dự án Thiên Ưng.

Kế hoạch xây dựng, phát triển mỏ được Vietsovpetro thực hiện từng bước và hết sức thận trọng. Theo đó, sau khi xây dựng mỏ là tiến hành mở khai thác giếng treo TU-3X, khoan khai tầng sản phẩm nông trước, sau đó là khoan bổ sung xuống tầng sâu để tận thăm dò, chính xác hóa đặc điểm thân chứa và kết hợp khai thác. Kế hoạch này đã được các nhà đầu tư thông qua và Chính phủ Việt Nam phê duyệt trong báo cáo “Kế hoạch khai thác sớm mỏ Thiên Ưng" vào năm 2014.

Xây dựng mỏ và những giải pháp đột phá

Để giảm chi phí đầu tư dự án Thiên Ưng, đưa giá khí về mức thị trường, các đơn vị trong toàn Vietsovpetro, gồm Viện NCKH&TK, Ban Quản lý Hợp đồng dầu khí, Phòng Kỹ thuật sản xuất, Xí nghiệp Xây lắp, Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, Xí nghiệp Khai thác Dầu khí đã nghiên cứu và đưa ra hàng loạt giải pháp kỹ thuật mang tính bước ngoặt.

Đặc biệt trong đó, Vietsovpetro đánh giá khả năng không thể thực hiện thu gom khí mỏ Đại Hùng độc lập và đề xuất kết nối với mỏ Thiên Ưng. Đây là giải pháp đột phá so với các phương án đã được nghiên cứu và đề xuất của các đơn vị trong Petrovietnam tại thời điểm trên. Thứ hai là nghiên cứu đưa ra phương án phân kỳ đầu tư đường ống Nam Côn Sơn 2, với giai đoạn 1 vận chuyển 2 pha, thấp áp, kết nối về mỏ Bạch Hổ.

Giải pháp vận chuyển 2 pha, thấp áp với chiều dài đường ống 160 km chưa có tiền lệ trước đây cũng đã đặt ra nhiều nghi ngại ngay cả trong nội bộ Vietsovpetro cũng như các đơn vị trong Petrovietnam tại thời điểm bấy giờ. Thứ ba là nghiên cứu phương án thiết kế giàn Thiên Ưng với đầy đủ hệ thống công nghệ cần thiết trên giàn đầu giếng, khoan bằng giàn tự nâng Tam Đảo-02.

Đây là giải pháp đầy thách thức về thiết kế, chưa có tiền lệ trong khu vực so với phương án truyền thống, cũng như phương án táo bạo sử dụng giàn khoan tự nâng Tam Đảo-02 ở điều kiện mỏ Thiên Ưng.

Hội thảo phát triển mỏ Thiên Ưng, Lô 04-3

Hội thảo phát triển mỏ Thiên Ưng, Lô 04-3

Các phương án kỹ thuật trên đều hướng tới sử dụng tối đa nội lực của Vietsovpetro để giảm chi phí tài chính. Với dự án giàn BK - Thiên Ưng, đây là lần đầu tiên Vietsovpetro tự thực hiện tổng thầu dự án xây dựng giàn và khoan khai thác khí tại khu vực nước sâu có quy mô lớn, với tỉ lệ nội địa từ khâu thiết kế, mua sắm, chế tạo đạt cao nhất. Tỷ lệ các công việc do nội bộ Vietsovpetro tự thực hiện cho Thiên Ưng lên đến 70%.

Đến nay, công trình giàn Thiên Ưng đã để lại nhiều cột mốc thành công đặc biệt cho các đơn vị của Vietsovpetro: Là công trình lớn nhất được Viện NCKH&TK chủ trì thiết kế thành công, với chân đế nước sâu 120m, khối thượng tầng trên 5.000 tấn; Là công trình lớn nhất được Xí nghiệp Xây lắp chế tạo và lắp đặt thành công với những giải pháp kỹ thuật và công nghệ đột phá, thông minh của người thợ xây lắp Việt Nam; Là công trình nước sâu 120m đầu tiên được khoan bằng giàn tự nâng của Xí nghiệp Khoan & Sửa giếng.

Với những nỗ lực vượt bậc nêu trên, công trình xây dựng giàn khai thác tại mỏ Thiên ưng đã hoàn thành công tác lắp đặt đúng thời hạn và đã được Tổ chức Bureau Veritas cấp Chứng chỉ đăng kiểm. Và đặc biệt, Vietsovpetro với nội lực của mình đã tối ưu hóa, tiết giảm rất lớn chi phí trong chuỗi công việc thiết kế - mua sắm – thi công xây dựng và khoan giếng: Về xây dựng công trình biển, tổng chi phí chỉ chiếm 74,6% tổng mức đầu tư đã phê duyệt; Về khoan giếng, chi phí trung bình một giếng khoan chỉ chiếm 56,8% so với mức đã phê duyệt.

Tổng hợp số liệu cho thấy, chi phí đầu tư thực tế đến thời điểm hiện tại khoảng 240 triệu USD, chỉ tương đương 45,8% tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trong EDP là 524,4 triệu USD. Nếu hoàn thành toàn bộ khối lượng đã được phê duyệt trong EDP (khoan thêm 6 giếng khai thác nữa) thì tổng chi phí đầu tư ước tính vào dưới 320 triệu USD – tương đương 61% so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Với những dẫn liệu kể trên có thể khẳng định, dự án Thiên Ưng là minh chứng cho sự trưởng thành vượt bậc, tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, phát huy nội lực của Vietsovpetro.

PV