Giá sữa bột tiếp tục “dò đáy”
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) vừa dự báo, tổng sản lượng sữa bột toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 1,5% so với năm 2023, đạt khoảng 9,34 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu sữa bột trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm 1,1%, còn 2,49 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc - nước nhập khẩu sữa bột lớn nhất thế giới đang tăng cường sản xuất nội địa, giảm nhập khẩu đối với sữa bột nguyên kem (WMP). Trong năm 2023, sản lượng sản xuất WMP nội địa của Trung Quốc đã tăng 12%, khiến lượng WMP nhập khẩu giảm 3%. USDA hiện dự kiến sản lượng WMP nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm 27% trong năm 2024.
Với việc nguồn cung sữa bột trên toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ thặng dự và việc Trung Quốc giảm nhập khẩu WMP do nguồn cung nội địa dồi dào, nhiều tổ chức tài chính nhận định giá sữa bột nguyên liệu sẽ neo tiếp tục neo ở mức thấp trong cả năm nay.
Điều này giúp biên lợi nhuận gộp của các hãng sản xuất sữa như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) tiếp tục cải thiện trong năm 2024. Theo dự phóng mới đây của Bộ phận Nghiên cứu thuộc hãng chứng khoán An Bình Securities (ABS Research), biên lợi nhuận gộp năm 2024 của Vinamilk sẽ ở mức 41,7%, tăng 100 điểm phần trăm cơ bản so với năm 2023.
Đầu tháng 2 vừa qua, ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Tài chính Vinamilk, cho biết kết quả kinh doanh quý 1/2024 sẽ “tốt hơn nhiều” so với cùng kỳ năm 2023 và công ty đã chốt giá nguyên liệu cho sản xuất đến hết nửa đầu năm 2024.
Hồi tháng 11/2023, Vinamilk cho biết đã chốt giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cho đến quý 1/2024. Tại thời điểm đó, giá sữa bột nguyên kem trên thế giới dao động quanh vùng giá thấp nhất 5 năm và Vinamilk cho biết có thể sẽ thực hiện việc chốt giá nguyên liệu trước khoảng 01 quý so với sản xuất thực tế. Đến cuối năm 2023, giá sữa nguyên liệu tiếp tục giảm thấp.
Đặt mục tiêu chiếm thêm thị phần trong năm nay
Bên cạnh việc hưởng lợi từ giá nguyên liệu thấp, ABS Research nhận định động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh năm nay của Vinamilk còn đến từ việc nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước hồi phục khi các yếu tố kinh tế dần cải thiện tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, Vinamilk còn hưởng lợi từ việc liên tục giữ vị thế doanh nghiệp số 1 ngành sữa trong suốt nhiều năm qua. Theo ABS Research, Vinamilk hiện chiếm 55% tổng thị phần ngành sữa Việt Nam; trong đó, các ngành hàng chủ lực như sữa nước, sữa chua và sữa đặc đều chiếm vị thế số 1; sữa bột chiếm vị thế số 2 toàn ngành.
Trong năm 2023, với việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, Vinamilk đã cho thấy khả năng thích ứng với xu thế của xã hội nhằm củng cố tệp khách hàng cũ và tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng mới, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Cũng nhờ đó, trong năm 2023, Vinamilk đã giành thêm khoảng 2% thị phần toàn ngành, theo ước tính của ABS Research.
Với tham vọng vươn tầm thế giới, Vinamilk vẫn đang nỗ lực đầu tư mở rộng, hướng đến mục tiêu lọt top 30 doanh nghiệp sữa toàn cầu và đạt doanh thu 86.000 tỷ đồng vào năm 2026.
Hiện doanh nghiệp sữa này đang chi từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng/năm để đầu tư nâng cấp, mở rộng công suất sản xuất. Trong năm 2024, Vinamilk có kế hoạch thuê tư vấn để cải tiến các hoạt động tiếp thị của mảng sữa bột cho trẻ sơ sinh, tái cơ cấu các kênh phân phối theo hướng tiếp cận nhiều hơn với các kênh bệnh viện và kênh bán hàng hiện đại nhằm đạt mục tiêu giành lại thêm 1% thị phần tại mảng này.
Vinamilk dự kiến sẽ có bao bì mới cho sữa bột dành cho trẻ sơ sinh vào nửa đầu năm 2024. Ngoài ra, một số dự án trang trại khác của Vinamilk cũng đang được triển khai, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024 và 2025. Đây chính là triển vọng giúp doanh nghiệp gia tăng công suất, đem lại nguồn doanh thu trong những năm tới.