Bảo tồn văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Trong hội thảo khoa học quốc tế mang tên “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, đại diện các nhà nghiên cứu trong nước và 148 nhà khoa học hàng đầu đến từ 25 quốc gia và

1. Bản sắc văn hóa Hà Nội, truyền thống và những cảnh báo 

Bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chủ đề không chỉ hấp dẫn các nhà khoa học trong nước mà còn được bạn bè trên thế giới hết sức quan tâm. Đại diện đến từ Trung tâm Phát triển Đông Á Nhật Bản (ICEAD), nhà nghiên cứu Eui-Gak Hwang cho rằng, văn hóa như một chủ thể độc nhất vô nhị trong xã hội gắn liền với một lối sống; theo dòng lịch sử, mỗi xã hội đều giữ lại cho mình một cộng đồng văn hóa riêng, tự nó đã phản ánh một cấu trúc xã hội bên trong được hình thành trong suốt cuộc đời con người. Về bản sắc văn hóa của người Hà Nội, TS Boutheng Souksavatd ở viện Khoa học Xã hội Lào nhận xét, Hà Nội là nơi hội tụ bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Bản sắc văn hóa của người Hà Nội gốc, được thể hiện trong cách ứng xử thanh lịch cả về ngôn ngữ, cách ăn mặc, nếp sống và phong cách giao tiếp. Thanh lịch chính là yếu tố nền tảng cho hội nhập mang tính hài hòa và đa dạng giữa các cộng đồng dân tộc và trên thế giới ngày nay. Nét thanh lịch Hà Nội được phổ cập thì chắc chắn sẽ tạo ra một đời sống xã hội tốt đẹp hơn cho Việt Nam.

Phân tích mặt chủ yếu của tiếng nói, GS. Đinh Văn Đức khẳng định, tiếng Hà Nội là phương ngữ Việt, đây là tiếng của Kinh đô. Mặc dù trải qua nhiều biến động song đến nay, tiếng Hà Nội vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Tuy nhiên, ý kiến của không ít đại biểu lại tỏ ra lo lắng, băn khoăn. Vấn đề đặt ra là liệu tiếng Hà Nội còn giữ được sự trong sáng và bản sắc của mình trước làn sóng di dân cùng với hiện tượng “pha tiếng”, “ngôn ngữ đường phố”, “ngôn ngữ mạng” xô bồ, hỗn loạn ngày một gia tăng? Làm gì để gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt nói chung và tiếng Hà Nội nói riêng trong bối cảnh hiện nay vẫn còn là vấn đề để ngỏ.

Đề cập đến “Tính cách người Hà Nội hôm qua, hôm nay và ngày mai”. GS. Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh đến người Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Ông cho rằng, tính cách người Hà Nội được định hình vào cuối thời quân chủ Nho giáo và đầu thời thực dân, với những đặc tính tiêu biểu Thanh lịch, trí tuệ, tỉnh táo, trọng danh dự, giữ chữ tín. Qua thời bao cấp đến đổi mới, rồi kinh tế thị trường đã có nhiều thay đổi, vấn đề đặt ra cho tương lai là tính cách trên mất còn ra sao? Tác giả cho rằng, không nên quá ca ngợi “văn minh, thanh lịch”, bởi sự phát triển vượt bậc về quy mô gần như vượt khỏi tầm kiểm soát về văn hóa - xã hội ở Hà Nội hiện nay không chỉ đáng báo động, mà càng cần có hành động thiết thực hơn nhằm trả lại những nét đẹp trong tính cách vốn có của người Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, nên tập trung vào tuyên chiến với tính cách xấu hiện có để khơi nguồn cho những cái đẹp tiểm ẩn của người Hà Nội có cơ hội bộc lộ và tái hiện dưới các hình thức phù hợp và hiện đại hơn.

Mặc dù không thoát khỏi bức tranh chung của cả nước về giáo dục đào tạo, song PGS Trần Hải Kế đã làm nổi bật Thăng Long-Hà Nội với tư cách là trung tâm“tụ nhân, tụ tài”. Qua các triều đại phong kiến và trong giai đoạn phát triển sau này, Thăng Long-Hà Nội đã có nhiều hiền tài, đó là nguyên khí quốc gia để cống hiến lâu dài cho dân tộc, cho đất nước. Giáo dục Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã hình thành đội ngũ trí thức đông đảo, giúp họ có không gian tự do và độc lập tối thiểu, để từ đó trở thành nhân tài kinh bang tế thế, cứu dân, giúp nước. Từ bài học rút ra trong những hoàn cảnh cụ thể, hội thảo nhấn mạnh, mục tiêu của đổi mới giáo dục là tạo không gian tự do và giải phóng con người...

Đội ngũ trí thức Thăng Long xưa là sản phẩm của nền giáo dục từ muôn nơi đổ về, không ít người đã trở thành nhân tài “kinh bang tế thế”. Trí thức dù là thân vương hay trí thức cung đình, đều được coi là lực lượng nhân lõi mệnh danh là “chí sĩ Bắc Hà”. Trong những mô hình của các triều đại, tính quý tộc được xác định theo quan hệ huyết thống, thân tộc; còn đội ngũ trí thức nho gia khi hình thành đã được định vị trong lớp đứng đầu“tứ dân” và trở thành đội ngũ hậu bị để bổ sung vào bộ máy nhà nước thông qua hình thức đề cử, bảo cử rồi qua đường chính thống của khoa cử.

Nhà Nguyễn lên ngôi, Thăng Long mất đi vị trí Kinh thành và sau này, khi thực dân Pháp đặt phủ toàn quyền Đông Dương, thì đội ngũ trí thức Thăng Long đã phải qua những thăng trầm với nhiều biến đổi bể dâu. Cho đến Cách mạng Tháng Tám và miền Bắc hoàn toàn giải phóng, vị trí Thủ đô xác lập lại, đội ngũ trí thức được xây dựng và đã không ngừng lớn mạnh. Từ những kinh nghiệm và thực tiễn diễn ra, một lần nữa các nhà khoa học lại nhắc nhở Hà Nội nên làm gì để phát huy được tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức đông đảo ngày nay.

2. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội từ góc nhìn học giả 

Đại diện tổ chức UNESCO, bà Katherine Muller Marin khẳng định, Thăng Long Hà Nội là một trong những chiếc nôi của văn minh trong suốt chiều dài lịch sử với những tài nguyên di sản và văn hóa hết sức phong phú, đa dạng được giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thăng Long từ khi ra đời đã liên tục làm sâu sắc hơn vai trò tích tụ và lan tỏa của văn hóa Kinh đô đối với mọi miền, trước hết là ở đồng bằng Bắc Bộ với tư cách là “Tứ trấn nội kinh” (Kinh Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Đông). Đại diện của nhiều tỉnh, thành trong cả nước đều ghi nhận đã tìm thấy những đóng góp của địa phương vào văn hóa Hà Nội và đến lượt mình, lại tiếp nhận được những gía trị văn hóa lan tỏa từ Thăng Long-Hà Nội.

Với tư cách kinh sư đầu não trong nhiều thế kỷ, Thăng Long - Hà Nội đã có vai trò gắn kết, chuyển tải văn hóa Hoa Lư, phát triển lên đỉnh cao với văn minh Thăng Long và truyền nguồn lực và cảm hứng đến Huế- Phú Xuân, rồi lại cùng Huế-Phú Xuân tiếp tục khơi nguồn sức mạnh, giúp dân tộc vươn tới Nam Bộ, tạo nên chuỗi liên kết tuyệt vời Hà Nội-Huế- Sài Gòn. Thăng Long-Hà Nội không chỉ là đầu mối liên kết, thống nhất trong nước, mà bằng giao lưu, hội nhập với văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ và thời cận, hiện đại là văn minh phương Tây để vươn lên một tầm cao và ngày càng phong phú, đa dạng hơn (Ngô Đức Thịnh 2010).

Từ vị trí to lớn trong nền văn hóa của Thăng Long, các nhà nghiên cứu thảo luận nhiều mặt về “không gian thiêng” với các vòng khác nhau của Hoàng thành và đô thành có giới hạn là Tứ trấn thần và rộng hơn là Tứ trấn nội kinh. Có nhiều cách lý giải về cơ sở tâm linh, tín ngưỡng, vương quyền để tạo không gian thiêng, tuy nhiên, nhân tố quyết định được đưa ra vẫn là Thăng Long-Hà Nội đã “lắng đọng hồn núi sông ngàn năm” của chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh, tín ngưỡng hóa và quan trọng hơn là, làm thế nào để chúng ta vẫn tiếp tục gìn giữ được sự linh thiêng này trong hiện tại và tương lai. (Đỗ Quang Hưng 2010)

3. Bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa vấn đề cấp bách 

Hầu hết ý kiến thảo luận dều cho rằng, di sản lớn nhất, bản sắc và nét đẹp nhất của Thăng Long-Hà Nội chính là tổng thể không gian kiến trúc Hà Nội, được thể hiện trong các làng cổ nội đô, ven đô; ở khu phố cổ, phố Tây và đặc biệt là tại các di tích đền, chùa, đình, miếu... những nơi còn gìn giữ, ghi nhận lại những dấu ấn quý giá cả về vật thể lẫn phi vật thể...

Công cuộc đô thị hóa diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng thấy, đang đặt ra những bài toán khó về bảo tồn di sản. Đời sống vật chất được cải thiện, tạo ra thách thức khó lường trong việc lưu giữ nguyên vẹn các di tích lịch sử văn hóa. Vấn đề đặt ra gay gắt, nặng về đối kháng đó là quan hệ giữa di tích và không gian đô thị với không gian bao quanh. GS.Hoàng Đạo Kính e ngại, trong quy hoạch tổng thể, nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến phá vỡ toàn bộ nét độc đáo làm nên bản sắc Hà Nội, giống như người ta đem hàng trăm cọc bê tông vô hồn, biểu trưng cho những ngôi nhà chọc trời, đóng lên hình hài của thiếu nữ Hà Nội vốn mỏng manh, yểu điệu và đầy nữ tính.

Các nhà khoa học khuyến cáo, Hà Nội mới không nên phá vỡ tính đăng đối của cấu trúc Thăng Long là trung tâm của“tứ trấn nội kinh”, đừng có “quay lưng ra sông, cưỡi lên hồ, đầm, kênh rạch” vốn đã tạo nên bản sắc tiêu biểu của Thăng Long vốn là thành phố sông, hồ. Phá hỏng một di sản, di tích là điều đáng tiếc; nhưng nếu phá hỏng một tổng thể kiến trúc vốn có thì quả là đại họa. Nhiều báo cáo và ý kiến thảo luận đã chỉ ra, trong bảo tồn di sản văn hóa cần phân biệt đâu là di tích, đâu là di sản để có những đối sách riêng nhằm bảo tồn phù hợp những di sản đã tạo nên bản sắc Hà Nội xưa và nay...

Trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến tính tự vận động và biến đổi trong từng môi trường xã hội cụ thể và cho rằng, cần tôn trọng vai trò của cộng đồng với tư cách là người sáng tạo và bảo tồn. Không nên “nhà nước hóa” các sinh hoạt văn hóa và càng không được cải biên vô lối. Cần coi trọng tính bác học, chuyên nghiệp, văn hóa đỉnh cao cũng như tính dân gian, thô mộc của các sinh hoạt văn hóa dân gian đang còn ẩn hiện trên đường phố, trong những làng quê và ở từng ngôi nhà của Hà Nội ngày nay.

Tại hội thảo này, các nhà khoa học cũng kêu gọi Hà Nội nên có kế hoạch bảo tồn đê điều với tư cách là di sản văn hóa đặc trưng; Lãnh đạo thành phố cũng cần có tầm nhìn xa hơn trong việc đặt tên đường, tên phố; tránh biến tên đường phố thành nơi tuyên truyền thuần túy, mà quên đi chức năng cơ bản của địa danh là giúp cho con người định hướng không gian, cũng như tính lịch sử của địa danh gắn với từng mảnh đất, từng cộng đồng dân cư.

Bằng tâm huyết của mình, các nhà khoa học trong, ngoài nước đã đưa ra nhiều ý kiến sắc sảo trong thông điệp đầy xúc động hướng vào việc bảo tồn di tích, tiếng nói và nền văn hiến mang tính đặc thù của cả dân tộc. Hy vọng là những khuyến nghị nêu ra từ hội thảo sẽ được lãnh đạo và những nhà quản lý văn hóa Thủ đô quan tâm, có biện pháp giữ gìn và phát huy những nét đẹp trong đời sống xã hội.

  • Tags: