Bình Định thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, là tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, cách thành phố Hồ Chí Minh 686km; cách thành phố Hà Nội 1.056km và thành phố Đà Nẵng 300km; có diện tích tự nhiên là 6.024km2, dân số tính đến năm 2005 khoảng trên 1,566 triệu người; gồm 10 huyện và thành phố Quy Nhơn. Quy Nhơn là đô thị loại II, dân số 265.000 người (dự kiến đến năm 2010 khoảng 370.000 người).
Quốc lộ 1A, đoạn đi qua Bình Định có chiều dài 111km, lưu lượng xe trung bình ngày đêm khoảng 2.500-2.700 xe. Quốc lộ 19 nối liền cảng biển quốc tế Quy Nhơn với các tỉnh thuộc khu vực vùng Bắc Tây Nguyên qua các cửa khẩu quốc tế Đức Cơ, Bờ Y và vùng 3 biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia, là một trong những con đường có chất lượng tốt nhất trong hệ thống trục ngang ở miền Trung Việt Nam hiện nay, tạo điều kiện liên kết Đông- Tây, thúc đẩy giao lưu kinh tế, hợp tác phát triển với bên ngoài; có sân bay Phù Cát, ga quốc gia Diêu Trì, đường sắt qua Bình Định dài 150km.
Bình Định có cảng biển quốc tế Quy Nhơn và cảng nội địa Thị Nại, trong đó cảng biển quốc tế Quy Nhơn có khả năng đón tàu tải trọng từ 2-3 vạn tấn, cách Phao số 0 khoảng 6 hải lý, cách hải phận quốc tế 150 hải lý. Hiện cảng có 6 bến với 840m cầu cảng, khoảng 17.680m2 kho, 12.000m3 bồn và trên 200.000m2 bãi. Lượng hàng qua cảng năm 2005 đạt 2,5 triệu TTQ. Dự báo lượng hàng qua cảng có thể đạt từ 4-5 triệu tấn vào năm 2010.
Bình Định là tỉnh có tiềm năng về kinh tế biển; với chiều dài bờ biển 134km; vùng lãnh hải 2.500km2, vùng đặc quyền kinh tế 40.000km2; có các cảng cá Nhơn Châu, Quy Nhơn, Tam Quan, Đề Gi và khu trú đậu tàu thuyền Tam Quan. Trong các cảng cá nêu trên có cảng cá Nhơn Châu là tốt nhất, có nguồn lợi hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ đại dương, cá nục, cá trích, cá cơm, cá chuồn, tôm mực cùng các đặc sản quý hiếm (yến sào, cua huỳnh đế, hải sâm...), tổng số tàu thuyền các loại là 6.256 chiếc, sản lượng hải sản khai thác hàng năm khoảng 25.000-33.000 tấn (chưa kể sản lượng khai thác xa bờ). Dự báo đến năm 2010 khả năng khai thác khoảng 110.000 tấn, giai đoạn 2011-2020 khai thác ổn định ở mức 100.000 tấn/năm.
Tổng diện tích mặt nước khoảng 10.920ha (không kể 67.000ha mặt biển). Trong đó, đầm Thị Nại 5.060ha, đầm Đề Gi 1.600ha, vùng cửa sông Tam Quan 300ha và một số ao hồ nước ngọt... là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện đã có 2.648ha mặt nước nuôi tôm. Theo quy hoạch của ngành thủy sản, đến năm 2005 ổn định diện tích nuôi tôm, cua vào khoảng 5.000ha; sản lượng tôm nuôi thu hoạch khoảng 5.000-6000 tấn/năm; kết hợp với sản lượng hải sản đánh bắt, đây sẽ là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến thủy, hải sản.
Diện tích rừng hiện có trên 207.370ha. Trong đó rừng tự nhiên là 154.390ha, rừng trồng là 52.980ha (rừng sản xuất là 34.624ha); những năm gần đây đã khai thác khoảng từ 6.000- 8.000m3 gỗ (góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong tỉnh khoảng 200.000m3). Ngoài ra, dưới tán rừng còn có song mây, lá nón, bời lời, các loại lâm sản khác... là nguồn nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng... Ngoài ra, đất đồi núi chưa sử dụng trên 205.200ha, có thể phát triển trồng rừng nguyên liệu hoặc trồng cây công nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến lâm sản.
Bình Định có 04 sông lớn là sông Kôn, sông Lại Giang, sông La Tinh và sông Hà Thanh, hiện có khoảng 135 hồ tự nhiên và nhân tạo với tổng diện tích 38.000ha chuyên dùng để cung cấp nước cho các loại cây trồng. Hệ thống mạng lưới các sông suối tập trung nhiều ở miền núi tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thủy lợi và thủy điện; tổng trữ lượng nước khoảng 5,2 tỷ m3; tiềm năng thủy điện khoảng 182,4 triệu kW.
Về tiềm năng khoáng sản: Trên địa bàn tỉnh có nhiều loại khoáng sản quý hiếm như đá granite ước tính khoảng 700 triệu m3 (trong đó có các loại đá cao cấp như: Granosinite màu đỏ, Biotite hạt thể màu vàng... với trữ lượng khoảng 500 triệu m3 tập trung nhiều ở An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn…); quặng sa khoáng Titan trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn Ilmenite nằm dọc theo bờ biển (tập trung ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn). Lớn nhất là mỏ sa khoáng Đề Gi có trữ lượng trên 1,5 triệu tấn, hiện đang được khai thác và tuyển tinh để xuất khẩu (100.000-120.000 tấn quy Ilmenite/năm). Các mỏ vàng tập trung phân bố ở các khu vực Vĩnh Kim, Vạn Hội, Kim Sơn, Tiên Thuận, trong đó mỏ Tiên Thuận được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất; mỏ Bauxit Kon Hà Nừng thuộc trên địa bàn 02 tỉnh Bình Định và Gia Lai hiện đang được lập dự án khả thi thăm dò, khai thác. Ngoài ra, còn có các mỏ cao lanh, đất sét (tập trung ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Tây Sơn) trữ lượng đã thăm dò khoảng 24 triệu m3; đủ để phục vụ cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (gạch ngói, gạch ceramic...) trên địa bàn tỉnh.
Bình Định có 5 điểm nước suối khoáng nóng, trong đó điểm nước khoáng Phước Mỹ có chất lượng nước cao để sản xuất nước giải khát; điểm nước nóng Hội Vân đã được khai thác sử dụng từ năm 1976, được đánh giá các tiêu chuẩn đặc hiệu chữa bệnh và có thể dùng để phát triển điện địa nhiệt…
Với các điều kiện địa lý kinh tế, hạ tầng kỹ thuật cùng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế- xã hội, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, Bình Định có đủ điều kiện để phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng trong tương lai.

  • Tags: