Xuất bản cuốn sách quý về ngành Công Thương Việt Nam “Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945 - 2010)”

Để góp phần khái quát lại lịch sử phát triển với những bước thăng trầm của ngành Công Thương cùng vận mệnh đất nước qua các thời kỳ, Bộ Công Thương đã tổ chức biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945 - 2010).

lich su cong thuong

Ở Việt Nam, ngành Công Thương bao gồm nhiều ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đây là những ngành nghề có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hiện nay đóng góp đến 80% GDP. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp”. Điều đó cho thấy, lĩnh vực công thương với các hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chiếm đến 2/3 chu trình cung cầu, có vị trí chi phối chủ chốt đối với tăng trưởng kinh tế, bất kỳ sự thay đổi nào của ngành cũng có tác động rất lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Từ khi thành lập đến nay, Ngành Công Thương đã có những bước thay đổi thăng trầm cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Để góp phần khái quát lại lịch sử phát triển với những bước thăng trầm của ngành Công Thương cùng vận mệnh đất nước qua các thời kỳ, Bộ Công Thương tổ chức biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945 - 2010). Nội dung cuốn sách gồm 8 chương, trên cơ sở phân tích quá trình hình thành và phát triển của Ngành, cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu quý và rút ra các bài học kinh nghiệm căn cốt từ việc ban hành thể chế đến công tác quản lý vĩ mô, vi mô cùng hoạt động điều hành các lĩnh vực kinh tế quan trọng bậc nhất của quốc gia; vừa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn vừa tạo dựng nền móng cơ bản đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chương I: Vài nét về Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới chính sách cai trị của thực dân Pháp với hai cuộc khai thác thuộc địa, nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi so với thời phong kiến, nhưng mang đến phương thức sản xuất và công nghệ mới, hình thành một số trung tâm công nghiệp, thương mại lớn. Tuy nhiên, do chính sách khai thác triệt để, tối đa lợi nhuận từ các nguồn lực kinh tế sẵn có, sách độc quyền mậu dịch, bảo hộ hàng hóa Pháp bằng hàng rào thuế quan ngặt nghèo để biến Việt Nam thành thị trường riêng, chuyên tiêu thụ các sản phẩm của nền công nghiệp Pháp, phụ thuộc chặt chẽ vào nền kinh tế Pháp… nên để lại những hậu quả vô cùng to lớn. Sau thời gian dài dưới ách thống trị bóc lột của thực dân Pháp và chính sách vơ vét của phátxít Nhật đã khiến mọi nguồn lực phát triển kinh tế của Việt Nam trở nên kiệt quệ. Đứng trước yêu cầu cấp bách cần phải sớm đưa bộ máy kinh tế còn đang hết sức rệu rã vào hoạt động trở lại, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng vừa đạt được, khôi phục kinh tế xây dựng đất nước, sau khi chính quyền về tay nhân dân, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập Bộ Kinh tế Quốc gia (tiền thân Bộ Công Thương) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế. Với mục tiêu là giải quyết tình trạng thiếu lương thực, khuyến khích giới công thương phục hồi hoạt động sản xuất và giao thương trên cả nước, chuẩn bị tiềm lực kinh tế, sẵn sàng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các chính sách điều hành, quản lý đều mang tinh thần cởi mở, linh hoạt nhằm phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước của giới công thương; cho phép giới tư bản nước ngoài, bao gồm cả giới tư bản Pháp tiếp tục duy trì công việc kinh doanh. Chỉ trong thời gian ngắn, tình trạng thiếu lương thực đã được giải quyết triệt để, hoạt động sản xuất được khôi phục phần nào và giao thương hàng hóa giữa các vùng được khơi thông.

Chương II: Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc (1945 - 1954). Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, trước yêu cầu phải dồn toàn lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc với thực tế điều kiện nền kinh tế, chính trị đất nước còn non trẻ, lại trải qua chế độ thực dân, phong kiến với những hậu quả nặng nề, công tác quản lý nhà nước về kinh tế phải chuyển sang “tự cấp, tự túc”, tập trung chủ yếu vào thực hiện ba nhiệm vụ chính là đảm bảo đời sống tối thiểu của nhân dân, phục vụ kháng chiến và bước đầu xây dựng một số nhân tố của nền kinh tế dân chủ mới. Tổ chức bộ máy Bộ Kinh tế thường xuyên được kiện toàn, sắp xếp phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý mới phát sinh gắn với các bước phát triển của công cuộc kháng chiến. Tất cả các loại hàng hóa được Nhà nước thu mua và dự trữ chủ yếu được phân phối cho bộ đội, cơ quan nhà nước, xí nghiệp quốc doanh và một phần cho nhân dân các vùng miền núi. Mặc dù đối mặt với chiến tranh khốc liệt, thiếu hụt nhiều nguồn lực, nhưng hoạt động sản xuất vẫn được duy trì và từng bước được mở rộng, thậm chí một số lĩnh vực công nghiệp nặng như luyện kim bắt đầu hình thành.

Chương III: Công nghiệp - Thương mại miền Bắc giai đoạn khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1965). Sau năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tuy nhiên hậu quả do chiến tranh đã để lại trên đất nước ta là một nền kinh tế “hoang tàn” và “xơ xác”, trong công nghiệp, phần lớn nhà máy xí nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; thương nghiệp bị đình đốn, các hoạt động đầu cơ, nâng giá, kinh doanh trái phép gây lũng đoạn thị trường diễn ra phổ biến… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu đối với công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh càng trở nên cấp bách hơn. Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa II) tháng 7/1954 đặt ra nhiệm vụ: “Phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, phục hồi và phát triển công thương nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng nền tài chính vững chắc để đạt tới ổn định vật giá, ổn định tiền tệ”. Cùng với việc tập trung cao độ nguồn lực sản xuất và kinh doanh vào tay kinh tế nhà nước đã mở đường cho mô hình kinh tế kế hoạch hóa. Nhiệm vụ của kế hoạch 3 năm phát triển và cải tạo kinh tế 1958 - 1960 được Chính phủ trình bày trước Quốc hội: Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp; ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội được đề ra. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tháng 9/1960 đã đề ra đường lối cách mạng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội xác định đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, thông qua kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân (1961 - 1965). Nhiệm vụ của toàn ngành công nghiệp lúc này là xây dựng một bước cơ sở vật chất và kỹ thuật cho một nền công nghiệp hiện đại xã hội chủ nghĩa theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ; đẩy mạnh sản xuất các tư liệu sản xuất, chủ yếu là phát triển điện lực đi trước một bước, phát triển công nghiệp gang thép và công nghiệp chế tạo cơ khí, đồng thời phát triển công nghiệp than, công nghiệp vật liệu xây dựng và bước đầu xây dựng công nghiệp hóa học; ra sức phát triển các hàng tiêu dùng; đẩy mạnh chế biến các nông sản, mở rộng khai thác một số khoáng sản… về thương nghiệp, nhiều chính sách phát triển hệ thống thương nghiệp quốc doanh thông qua phát triển mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán, thành lập các tổng công ty xuất nhập khẩu ở trung ương và công ty xuất nhập khẩu ở địa phương được khuyến khích mở rộng cả về nội thương và ngoại thương. Ngành Công Thương đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa; củng cố nền kinh tế miền Bắc về mọi mặt, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Chương IV: Công nghiệp - Thương mại với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam (1965 - 1975). Đầu năm 1965, trong bối cảnh từ một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước có hòa bình đã chuyển sang cả nước có chiến tranh; miền Nam đã là tiền tuyến lớn, miền Bắc phải trở thành hậu phương lớn, ngành Công Thương chủ động xây dựng kế hoạch đảm nhiệm trọng trách công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong điều kiện có chiến tranh. Phương châm chuyển hướng kinh tế sang điều kiện thời chiến là bảo vệ an toàn, tiếp tục sản xuất và phục vụ chiến đấu. Trong thời kỳ này, với điều kiện xen lẫn chiến tranh và hòa bình, miền Bắc đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu của chủ nghĩa xã hội, theo hướng tiến lên một nền sản xuất lớn hiện đại và một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Từ năm 1965, miền Bắc phải chuyển hướng kinh tế từ thời bình sang thời chiến, và từ đó đến năm 1975 là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại xen kẽ với những thời kỳ ngắn khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, sự cồng kềnh của mô hình kinh tế kế hoạch hóa đã ảnh hưởng lớn đến mức tăng trưởng tổng sản phẩm công nghiệp và lưu thông hàng hoá, cản trở sự phát triển thương mại. Việc duy trì, phát triển chế độ cung cấp hàng hóa thiết yếu càng làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực. Chế độ bao cấp với tình trạng “bán như cho”, bất chấp giá trị đã trở thành gánh nặng với ngân sách nhà nước.

Chương V: Công nghiệp - Thương mại miền Nam (1955 - 1975). Ở miền Nam, từ năm 1955 đến năm 1965, chính quyền Sài Gòn chủ trương tận dụng lợi thế sản xuất nông nghiệp của miền Nam để đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản chủ lực như cao su, gạo nên tích lũy được ngoại tệ để trang bị máy móc, kỹ nghệ cho những ngành khác. Song song với đó là ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, đặc biệt là các ngành chế biến nông sản và sản xuất hàng tiêu dùng như dệt, lắp ráp… để tăng cường giá trị xuất khẩu cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Viện trợ nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ, bắt đầu thâm nhập mạnh vào nền kinh tế miền Nam. Đô thị và bộ mặt kinh tế miền Nam bắt đầu sầm uất từ năm 1955, một phần vì viện trợ của Mỹ, một phần đáng kể cũng nhờ yếu tố các nhà tư sản miền Bắc di cư. Kể từ năm 1965, khi cường độ chiến tranh gia tăng mạnh cùng với việc quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh ồ ạt đổ vào miền Nam, các khoản viện trợ cũng tăng vọt thì nền kinh tế miền Nam cũng thay đổi theo. Ở miền Nam, nền kinh phụ thuộc mạnh vào các nguồn lực từ bên ngoài bắt đầu bộc lộ các điểm yếu, mất ổn định khi quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh rút dần và rút hoàn toàn vào năm 1973. Hoạt động sản xuất công nghiệp vốn có cơ cấu không hợp lý, liên tục sụt giảm mạnh trong những năm cuối chiến tranh. Hàng hóa trên thị trường cũng bắt đầu khan hiếm khi các khoản viện trợ nước ngoài bị rút đi khiến nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu giảm. Đồng thời, việc chính quyền Sài Gòn phá giá mạnh đồng tiền đã khiến lạm phát tăng vọt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Chương VI: Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm đầu sau khi đất nước thông nhất (1975 - 1985). Mười năm đầu sau ngày đất nước thống nhất là thời điểm đất nước gặp muôn vàn khó khăn cả về khôi phục kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc, miền Nam không còn viện trợ của các nước tư bản; ở miền Bắc, nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũng cắt giảm viện trợ, đặc biệt những mặt hàng vô cùng cần thiết đối với một nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh như lương thực, sắt thép, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… Để nhanh chóng khắc phục tình hình, Đại hội IV của Đảng, tháng 12/1976 đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối phát triển công nghiệp nước ta trong giai đoạn mới: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu công - nông nghiệp; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, kết hợp kinh tế với quốc phòng”. Hội nghị Trung ương 6 khóa IV năm 1979 đã chỉ ra những sai lầm trong lãnh đạo kinh tế, chủ yếu là do việc xây dựng kế hoạch kinh tế vẫn tập trung quan liêu, thiếu căn cứ thực tế và khoa học, chưa kết hợp chặt chẽ kế hoạch hóa với sử dụng thị trường. Có những biểu hiện nóng vội, giản đơn trong cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam. Từ 1979 đến năm 1985, đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ tìm đường đổi mới. Nhiều cơ chế chính sách quản lý kinh tế mới được áp dụng, trở thành động lực mạnh mẽ cho hoạt động công nghiệp và thương mại; một số ngành và nhiều địa phương, cơ sở đã tiến hành những cuộc thử nghiệm, tìm tòi về cách làm ăn mới nhằm khai thác khả năng phát triển sản xuất, cải tiến lưu thông, phân phối, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Tuy nhiên, những khó khăn dồn dập cùng lúc làm cho nền kinh tế mất cân đối cung cầu nghiêm trọng, ngân sách nhà nước bội chi tiền mặt, lạm phát tăng cao, khiến cho các ngành nội thương, ngoại thương, vật tư căng mình tập trung cao độ nguồn hàng phục vụ cho sản xuất và đời sống. Trước tình hình đó, Ngành đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ nhiều chính sách hay, cách làm tốt để tăng tỷ trọng thu mua trong tổng sản lượng hàng hóa, kích thích sản xuất và xuất khẩu, thu hẹp cán cân thương mại.

Chương VII: Từng bước phát triển ngành Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm đầu đổi mới đất nước (1986 - 1995). Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12/1986 là mốc lịch sử quan trọng trên con đường đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Sau khi phân tích đúng đắn nguyên nhân của tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội từ nhiều năm trước, Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới kinh tế toàn diện cho đất nước trong thời kỳ mới, khẳng định và bổ sung, hoàn thiện các chủ trương chính sách đổi mới kinh tế, đổi mới phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Qua 10 năm (1986 - 1995) chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng từ mô hình kinh tế kế hoạch, cơ chế quản lý bao cấp sang mô hình kinh tế hàng hóa, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, có sự quản lý của Nhà nước. Có thể coi 3 năm 1986 - 1988 là giai đoạn giao thời, khi mô hình kinh tế kế hoạch hóa, cơ chế bao cấp đã được nhận diện là lỗi thời, nhưng chưa bị xóa bỏ hẳn, nên có sự đấu tranh quyết liệt cả về mặt tư tưởng, lý luận để xác định những bước đi, tiến tới hình thành cơ chế quản lý kinh tế mới. Trong điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, bên cạnh việc coi trọng công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, ngành Công Thương đề ra chủ trương xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng trọng yếu và hết sức cần thiết, mà ta có điều kiện về vốn, công nghệ và thị trường, như: năng lượng, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy, luyện kim, hóa chất. Sự thay đổi về quan điểm và chính sách kinh tế cũng đã đem lại những tác động tích cực trên thị trường hàng hóa dịch vụ. Tự do hóa thương mại, tự do hóa lưu thông đã làm cho hàng hóa giao lưu thông suốt giữa các vùng trong cả nước, góp phần khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng vùng, từng doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, nội thương, ngoại thương đã khơi nguồn sản xuất, cân đối cung cầu, tiền - hàng, kiềm chế lạm phát và có đóng góp quan trọng cùng các ngành khác đã đưa “nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng”.

Chương VIII: Phát triển ngành Công nghiệp - Thương mại trong thời kỳ đẩy mạnh công nghệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (1995 - 2010). Năm 1995, nền kinh tế Việt Nam đã bước đầu khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong cả nước hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 6/1996. Đại hội khẳng định: “Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại sức sống cho các ngành công nghiệp nước ta. Trong suốt 15 năm (1996 - 2010), trải qua những cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 - 1998, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009… nhưng sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng, quyền kinh doanh được mở rộng trong quan hệ với nước ngoài, góp phần từng bước thực hiện tự do hóa thương mại… thể hiện bằng hàng loạt hiệp định song phương, đa phương với nhiều quốc gia, nền kinh tế và gia nhập các tổ chức thương mại, kinh tế quốc tế… Sự năng động của hoạt động công nghiệp và thương mại cũng góp phần đưa con tàu Việt Nam cập bến, hoàn thành xuất sắc các chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, lần thứ IX là “gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”; của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X là “gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức”.

 

                                                 ThS. TRẦN MINH NGỌC

                                       Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật