Xuất khẩu gỗ vào thị trường EVFTA: Tiêu chí xuất xứ “dễ thở”, người tiêu dùng khắt khe

Lợi thế kép về thuế xuất đối với sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu máy móc theo EVFTA rất lớn, nhưng người tiêu dùng EU đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ nhằm đảm bảo thực thi các chính sách về môi trường.
Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 700-800 triệu USD
Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 700-800 triệu USD

Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 700-800 triệu USD. Năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt 847 triệu USD, tăng 8,7% so với năm 2018.

Nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm, như vậy thị phần của Việt Nam hiện mới khoảng 1%, còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Mặc dù hiện nay thuế nhập khẩu mặt hàng này thấp, khoảng từ 0-6%, việc xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực vẫn sẽ tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của ta tiếp cận hơn nữa với thị trường EU.

Theo thỏa thuận khi EVFTA có hiệu lực, 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất 0%.

Lộ trình cắt giảm theo thỏa thuận khoảng 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ từ 6% về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, 17% các mặt hàng còn lại sẽ về 0% sau 5 năm có hiệu lực.

Tiêu chí xuất xứ không quá chặt: Đối với gỗ nguyên liệu nói chung và đồ nội thất làm từ gỗ, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số hoặc hàm lượng giá trị nguyên liệu không xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất không vượt quá 70%.

Tuy nhiên, một số mặt hàng gỗ như gỗ tấm để làm lớp mặt hoặc làm gỗ dán, ván gỗ tạo gần và gờ dạng chuối hạt, hòm, hộp thùng hình… có tiêu chí xuất xứ là công đoạn gia công chế biến cụ thể.

Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT) được Việt Nam và EU phê chuẩn, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2019.

Với việc thực thi Hiệp định VPA và việc bắt đầu cấp phép FLEGT, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU mà không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà.

Đây sẽ được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước không có một hiệp định VPA đầy đủ.

Hơn thế nữa, EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp tranh thủ được về công nghệ sản xuất và quản lý, máy móc thiết bị của EU, được xem là có trình độ cao nhất thế giới hiện nay.

Các loại máy móc thiết bị của EU khi nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu thuế 20-30%,  EVFTA có hiệu lực sẽ giúp giảm thuế, thậm chí được miễn thuế hoặc trả chậm khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trang thiết bị.

doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng
Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng

Như vậy, lợi thế kép về thuế xuất đối với sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu máy móc theo EVFTA sẽ giúp khả năng cạnh tranh của ngành gỗ nước ta rất lớn tại thị trường EU.

Tuy nhiên, người tiêu dùng EU đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ nhằm đảm bảo thực thi các chính sách về môi trường.

100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp. Dù doanh nghiệp dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ.

Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng, khiến gia tăng chi phí.

Trước mắt, đây là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam khi phải duy trì thực hiện nghiêm túc VPA/FLEGT.

Thượng Lý